Mỹ-Trung xoa dịu bất đồng, hợp tác cùng có lợi

.

Trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên trong một năm qua vào ngày 15-11 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi quan điểm thẳng thắn, chuyên sâu về các vấn đề chiến lược, bao trùm quan hệ Mỹ - Trung và các nội dung ảnh hưởng đến hòa bình, phát triển thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) đi dạo cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điền trang Filoli, California (Mỹ) vào ngày 15-11. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) đi dạo cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điền trang Filoli, California (Mỹ) vào ngày 15-11. Ảnh: Reuters

Mở lại đường dây nóng ở cấp độ cao nhất được xem là điểm nhấn đáng chú ý nhất của cuộc thượng đỉnh lần này, cho thấy hai nước đang đi đúng hướng trong bảo đảm cạnh tranh không dẫn đến xung đột và quản lý quan hệ một cách có trách nhiệm như đã cam kết.

“Những bước tiến thực tiễn”

Reuters dẫn thông báo của Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp thực chất và mang tính xây dựng về một loạt vấn đề song phương và toàn cầu, cũng như trao đổi quan điểm về những khác biệt. “Có nhiều vấn đề quan trọng cần sự lãnh đạo chung của chúng ta giải quyết. Hôm nay, chúng ta đã tạo những bước tiến thực tiễn”, ông Biden nhận định.

Theo Global Times, ông Tập Cận Bình tái khẳng định lập trường của Trung Quốc về quan hệ ổn định, lành mạnh và bền vững với Mỹ; đồng thời hy vọng hai nước cùng tồn tại hòa bình và giải quyết các bất đồng hiệu quả, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. Trung Quốc không có ý định vượt qua hoặc thay thế Mỹ và do đó Mỹ không nên cố gắng kiềm chế Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương và mang lại môi trường công bằng, chính đáng và không phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, thay vì chỉ đơn thuần đưa ra những điều chỉnh mang tính chiến thuật như trước đây.

Theo Reuters, trong quyết định đột phá nhất, lãnh đạo hai nước nhất trí vận hành các cấp độ liên lạc, trong đó đáng chú ý nhất là mở lại đường dây liên lạc giữa quân đội hai nước. Đây là điều cực kỳ quan trọng để hai bên tránh hiểu nhầm và tính toán sai lệch có thể dẫn đến khủng hoảng hay xung đột. Thỏa thuận mới đồng nghĩa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có thể gặp người đồng cấp Trung Quốc thường xuyên hơn.

Điều này cũng mở cánh cửa cho gặp gỡ ở cấp thấp hơn, gồm cho phép chỉ huy lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ (có trụ sở tại Hawaii) tăng cường trao đổi với Trung Quốc. Ngoài ra, lãnh đạo hàng đầu của hai nước nhất trí gọi điện trực tiếp cho nhau khi xảy ra khủng hoảng và sẽ nghe máy ngay lập tức. Theo Global Times, duy trì liên lạc đa kênh và đa cấp để dựng rào chắn cho quan hệ song phương có thể là biện pháp quan trọng nhất để kiềm chế căng thẳng hiện nay.

Thành công lớn khác là việc hai nước nhất trí hợp tác về vấn đề liên quan fetanyl (chất thuộc nhóm thuốc giảm đau rất mạnh Opioid). Theo đó, Trung Quốc sẽ hạn chế xuất khẩu các mặt hàng liên quan tới sản xuất fetanyl vốn là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng sử dụng ma túy quá liều ở Mỹ. Trung Quốc sẽ trực tiếp truy lùng các công ty hóa chất để ngăn chặn dòng chảy fetanyl và nguyên liệu nguồn sản xuất chất này. Đổi lại, Mỹ sẽ dỡ bỏ các hạn chế với viện cảnh sát pháp y của Trung Quốc.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo nhất trí thiết lập đối thoại liên chính phủ về trí tuệ nhân tạo (AI); lập nhóm công tác hợp tác kiểm soát ma túy; thúc đẩy giao lưu nhân dân; mở rộng hợp tác về du lịch và giáo dục; tăng thêm đáng kể số lượng chuyến bay thẳng giữa hai nước vào đầu năm 2024.

Ở góc nhìn khác, dù có tín hiệu tích cực song quan hệ Mỹ - Trung vẫn còn tồn tại một số khác biệt, bất đồng, khó có thể hàn gắn "ngày một, ngày hai" và do đó các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ sẽ không thay đổi. Theo Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán, quan hệ Mỹ-Trung đã bước vào giai đoạn “cạnh tranh nhưng không đổ vỡ” trong chặng đường chưa bao giờ “thuận buồm xuôi gió” trong hơn 50 năm qua.

Chuyến đi đúng thời điểm

Chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên sau 6 năm của ông Tập Cận Bình thể hiện thiện chí của Trung Quốc. Cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh lần này phần nào giúp xóa tan hiểu lầm và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại. Đại diện công ty Trung Quốc tại New York cho rằng: “Giới doanh nghiệp mong đợi lãnh đạo hai nước có sự tin tưởng và giao tiếp trực diện nhiều hơn, và chuyến đi tới Mỹ của ông Tập Cận Bình diễn ra đúng thời điểm”. Ông Tập Cận Bình dự kiến phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung, trong đó nhấn mạnh sự quan tâm trong việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài quay trở lại Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang xoay xở đảo ngược dòng vốn đầu tư “chảy” khỏi đất nước.

Theo AP, chuyên gia Robert Lawrence, Chủ tịch Quỹ Kuhn có trụ sở tại Mỹ nhận định, chuyến đi đầu tiên của ông Tập Cận Bình đến Mỹ kể từ năm 2017 cho thấy sự coi trọng đối với hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. “Việc ông Tập Cận Bình tới Mỹ và dự sự kiện APEC 2023 gửi tín hiệu mạnh mẽ rằng APEC cực kỳ quan trọng, các vấn đề mà APEC giải quyết cũng vô cùng quan trọng và Trung Quốc sẵn sàng đóng góp lớn cho từng hạng mục cốt lõi”, ông Lawrence cho biết. 

Thật trùng hợp khi San Francisco, nơi đăng cai tuần lễ cấp cao APEC 2023, là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ cách đây nhiều thập niên. Theo Tân Hoa Xã, mùa xuân năm 1985, ông Tập Cận Bình, khi đó là lãnh đạo huyện Chính Định, thuộc tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), đã đặt những bước chân đầu tiên trên đất Mỹ.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.