Quốc tế
Nhật Bản kỳ vọng chu kỳ tăng trưởng mới
Chính phủ Nhật Bản sẽ chi hơn 100 tỷ USD để xoa dịu áp lực lạm phát, đồng thời củng cố mức độ tín nhiệm cho nội các. Gói kích thích này có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt khi nước này đang ở “điểm uốn” trên chặng đường thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài.
Người dân mua đồ tại một cửa hàng ở Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Reuters |
Trong thời điểm kinh tế bất ổn, quy mô và phạm vi gói kích thích này phản ánh bước đi quyết định hướng tới củng cố khả năng phục hồi kinh tế Nhật Bản và tái khẳng định vị thế của nước này như thế lực đáng gờm trong bối cảnh kinh tế thế giới còn “tranh sáng, tranh tối”. Cộng đồng quốc tế vẫn “dán mắt” vào Nhật Bản để chứng kiến kết quả của nỗ lực đầy tham vọng này và những tác động tiềm tàng của nó đối với quỹ đạo của kinh tế toàn cầu.
Xoa dịu “nỗi đau lạm phát”
Gói kích thích mang tính toàn diện tập trung giảm thuế thu nhập và trợ giá năng lượng trong bối cảnh người dân đang quay cuồng với giá cả tăng cao từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Điều đáng lo nữa là đồng Yên yếu khiến Nhật Bản mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới khi GDP năm nay của nước này có thể thấp hơn Đức.
Reuters dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 2-11 cho biết, quy mô của gói kích thích này sẽ vào khoảng 17.000 tỷ Yên (113,2 tỷ USD). Để hiện thực hóa sáng kiến này, Chính phủ soạn thảo ngân sách bổ sung 13.100 tỷ Yên cho năm tài chính hiện tại. Theo các chuyên gia, chương trình này sẽ trị giá 37.000 tỷ Yên khi bao gồm cả chi tiêu của khu vực tư nhân.
Với bước đi mới nhất này, ông Kishida đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, thay vì chỉ thúc đẩy nhu cầu vốn đang sụt giảm hiện nay. “Lần đầu tiên sau 30 năm, chúng ta đang đứng trước cơ hội tuyệt vời để chuyển sang giai đoạn kinh tế mới khi thoát khỏi vòng luẩn quẩn giảm phát với giá thấp, lương thấp và tăng trưởng thấp. Chìa khóa ở đây là giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận và doanh thu, để từ đó tăng lương.”, ông Kishida cho biết.
Gói giải pháp gồm các biện pháp cắt giảm tạm thời thuế thu nhập và thuế dân cư, trợ cấp hóa đơn xăng dầu và tiện ích. Vào thời điểm tăng lương không theo kịp tốc độ tăng giá, ông Kishida đã nhiều lần nhấn mạnh ý định tăng thu nhập khả dụng của người lao động để ngăn chặn khả năng rơi vào tình trạng giảm phát trở lại. Tuy nhiên, sự suy yếu kéo dài của đồng Yên làm tăng chi phí nhập khẩu, dẫn đến giá cả tăng vọt và ảnh hưởng đến sức mua của các hộ gia đình. Do đó, Chính phủ sẽ hoàn lại cho các hộ gia đình một số khoản tăng thu thuế dự kiến. Bên cạnh đó, gói này cũng tăng cường chuỗi cung ứng và công nghệ chủ chốt, chẳng hạn như giảm thuế cho các công ty đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng về mặt chiến lược như công nghiệp chip và vũ trụ.
Tranh cãi về tính hiệu quả
Lạm phát tại Nhật Bản vốn được thúc đẩy bởi chi phí nguyên liệu thô tăng cao đã liên tục ở mức cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương nước này (BOJ) trong hơn một năm. Tình trạng này đè nặng lên tiêu dùng và làm lu mờ triển vọng về nền kinh tế đang xoay xở phục hồi hậu Covid-19. Chi phí sinh hoạt tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ ủng hộ ông Kishida suy giảm. Các cuộc khảo sát của báo Nikkei và mạng tin tức phát sóng ANN vào tuần trước cho thấy tỷ lệ tán thành đối với ông Kishida ở mức thấp nhất kể từ khi thủ tướng nhậm chức hai năm trước, lần lượt ở mức 33% và 26,9%.
Theo Reuters, do lạm phát gia tăng và nhu cầu suy yếu tại thị trường Trung Quốc tác động đến tiêu dùng và xuất khẩu kinh tế, Nhật Bản có thể suy thoái trong quý 3-2023 sau khi tăng trưởng ấn tượng 4,8% trong quý 2-2023, mức tăng lớn nhất trong hơn hai năm, sau khi dỡ bỏ các hạn chế Covid-19 để thúc đẩy tiêu dùng. Mức lương thực tế giảm trong tháng 7-2023 làm tăng thêm nghi ngờ về dự đoán của BOJ rằng nhu cầu nội địa có thể giúp kinh tế phục hồi ổn định.
Do đó, gói giải pháp can thiệp này là nỗ lực mới nhất của ông Kishida nhằm xoa dịu những cử tri chỉ trích chính quyền nước này xử lý lạm phát. Chính phủ Nhật Bản tin rằng GDP của nước này dự kiến tăng trung bình khoảng 1,2% trong ba năm tới. Trong khi đó, tác động của trợ cấp xăng dầu và tiện ích sẽ đẩy lạm phát tiêu dùng nói chung xuống khoảng 1 điểm phần trăm từ tháng 1 đến tháng 4-2023.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ về khả năng cắt giảm thuế và thanh toán thuế có tác động nhiều đến việc thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Ông Takahide Kiuchi, cựu thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và hiện là chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura, ước tính các biện pháp này chỉ giúp GDP Nhật Bản tăng 0,19% năm nay. Hơn nữa, gói chi tiêu này có thể buộc Chính phủ phát hành thêm trái phiếu, làm tăng nguy cơ “quả bom nợ hẹn giờ”. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, tính đến nay, nợ công của Nhật Bản tăng lên mức tương đương 255%, vốn có quy mô gấp đôi nền kinh tế và đang ở mức lớn nhất trong số các nền kinh tế lớn, vượt mức 204% trong Thế chiến 2. Thời gian tới, liệu ông Kishida có thể thuyết phục công chúng về lợi ích của gói kinh tế này hay không vẫn còn phải chờ xem.
THƯ LÊ