Quốc tế

Trung Á trong chiến lược của các cường quốc

07:40, 21/11/2023 (GMT+7)

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, bất ổn gia tăng ở Trung Đông và cấu trúc địa chính trị liên tục biến động, Trung Á đóng vai trò quan trọng đối với các siêu cường để tạo ảnh hưởng ở khu vực vốn dồi dào nguyên liệu thô và là cửa ngõ chốt chặn Á-Âu.

Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã và đang coi Trung Á là khu vực “phải do chính mình chi phối”. Vì thế, ngoài ba nước thành viên chủ chốt này, sức mạnh của tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) còn được củng cố bởi các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan ở Trung Á. SCO cũng có thành viên mới hoặc đối tác đối thoại như Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ, Azerbaijan, Armenia, Ai Cập, Campuchia, Qatar, Nepal, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka. Mục tiêu của SCO nhấn mạnh về bảo vệ an ninh lương thực toàn cầu, ứng phó với biến đổi khí hậu và duy trì chuỗi cung ứng an toàn, ổn định và đa dạng; đồng thời, tạo thị trường năng lượng quốc tế minh bạch và giảm bớt rào cản thương mại hiện hành để bảo đảm an ninh năng lượng.

Trước biến động thế giới khó lường, tháng 7-2023, SCO ra tuyên bố chung sẵn sàng hợp tác sâu rộng với tất cả quốc gia và phản đối việc giải quyết vấn đề quốc tế và khu vực thông qua "tư duy đối đầu". Đặc biệt, trong vấn đề an ninh, SCO coi đây là “điểm trọng tâm” hợp tác để ngăn chặn các phần tử khủng bố gây diễn biến phức tạp. Diễn đàn An ninh và Quốc phòng SCO lần thứ 5 diễn ra từ ngày 20 đến 29-11 ở Trung Quốc, cũng là cơ hội để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa quân đội các nước tham gia, làm sâu sắc hợp tác quốc phòng, an ninh trong khuôn khổ SCO, góp phần tích cực xây dựng cộng đồng SCO đoàn kết hơn và cùng chung tương lai.

Vai trò, vị trí và nguồn lực của khu vực Trung Á, cũng như tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của SCO, buộc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không thể làm ngơ mà phải gia tăng cạnh tranh với các đối thủ về an ninh-quốc phòng lẫn kinh tế, nhất là khi cuộc đối đầu với Nga và Trung Quốc ngày càng khốc liệt chưa từng có ở hầu hết lĩnh vực.

Tại hội nghị Ngoại trưởng G7 mới đây, các nước thành viên, cùng với EU, lần đầu tiên mời 5 quốc gia Trung Á (Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Tajikistan và Kyrgyzstan) tham dự. Theo ông Rajorshi Roy, chuyên gia về Trung Á tại Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Manohar Parrikar (Ấn Độ), hiện có 9 cường quốc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực này, trong đó không chỉ có Nga và Trung Quốc mà còn cả Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Đức, Pháp và Nhật Bản.

Đối với Mỹ, sau khi rút khỏi Afghanistan, chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách duy trì ảnh hưởng trong khu vực. Năm 2022, Mỹ đưa ra “Sáng kiến Phục hồi Kinh tế Trung Á”. Tháng 9-2023, bên lề phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 78, cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung Á đầu tiên diễn ra nhằm tăng cường ảnh hưởng của Mỹ và cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Nhà Trắng tuyên bố hội nghị này “sự kiện lịch sử”; đồng thời cam kết giúp bảo đảm an ninh ở Trung Á, đặc biệt chống khủng bố và tội phạm xuyên biên giới, tăng cường hợp tác kinh tế, mở rộng năng lực khu vực tư nhân, khai thác khoáng sản quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng.

Tiếp nối với Mỹ là EU, nhất là Pháp, muốn đặt dấu ấn chính trị và kinh tế tại Trung Á thông qua chuyến thăm Kazakhstan và Uzbekistan đầu tháng 11-2023 với hàng loạt văn kiện hợp tác về dược phẩm, hàng không vũ trụ, khoáng sản, công nghệ năng lượng sạch. Đáng chú ý, Công ty năng lượng EDF (Pháp) đang nỗ lực xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Kazakhstan.

Trước đó, tháng 9-2023, Đức, thành viên chủ chốt của EU, cũng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Đức-Trung Á tăng cường hợp tác chiến lược để “lấp khoảng trống” trong thời gian dài. Thủ tướng Scholz và lãnh đạo 5 nước Trung Á nhất trí cải thiện tổng thể tuyến đường vận tải và quá cảnh. Các nước Trung Á hoan nghênh các sáng kiến của EU về nước, năng lượng và biến đổi khí hậu, cũng như chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu”. Việc các cường quốc tập trung nâng tầm ảnh hưởng ở Trung Á càng cho thấy biến động cấu trúc địa chính trị thế giới sẽ có những đổi thay mạnh mẽ trong thời gian đến.

TUYẾT MINH

.