Không phải đến bây giờ cộng đồng quốc tế mới lo ngại về khả năng xung đột ở Dải Gaza lan rộng, song nguy cơ đó đang ngày càng rõ hơn khi các bên tham chiến mới lần lượt xuất hiện.
Người Palestine mang hai quốc tịch chờ đợi bên ngoài cửa khẩu Rafah với hy vọng được phép rời khỏi Gaza vào ngày 1-11. Ảnh: Reuters |
Sau thông tin về các đợt tấn công nhằm vào Israel của nhóm chiến binh ở Syria, lực lượng Hezbollah ở Lebanon, ngày 31-10, lực lượng Houthi ở Yemen cũng có động thái can dự. Từ “đại bản doanh” ở Sanaa (Yemen), các chiến binh Houthi đã phóng một loạt tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào thành phố Eilat ở phía nam Israel từ khoảng cách hơn 1.000 dặm.
Vòng xoáy bạo lực
Là một phần của “Trục kháng cự” do Iran hậu thuẫn, Houthi ủng hộ Hamas ngay từ khi xung đột bùng nổ vào ngày 7-10 và động thái ngày 31-10 dường như là điều đã được dự đoán. Reuters dẫn lời người phát ngôn lực lượng quân sự Houthi Yahya Saree cho biết, nhóm này đã phóng số lượng lớn tên lửa đạn đạo và drone nhằm vào Israel, đánh dấu loạt tấn công thứ ba của Houthi nhằm vào nhà nước Do thái kể từ khi xung đột nổ ra ở Gaza. Ông Saree cho biết, sẽ có thêm các loạt tấn công khác để “giúp người Palestine giành chiến thắng”. Reuters nhận định, điều này dường như ngầm xác nhận Houthi chính là bên đứng sau vụ tấn công bằng drone vào ngày 28-10 đã gây ra các vụ nổ ở Ai Cập và vụ tấn công vào ngày 19-10 mà hải quân Mỹ đã đánh chặn ba tên lửa hành trình. Ông Saree cáo buộc Israel gây ra bất ổn ở Trung Đông và cho rằng “vòng xoáy xung đột” ở khu vực đang mở rộng do hành động quân sự không ngừng gia tăng của nước này. Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai các đợt tấn công cho tới khi “những hành vi gây hấn của Israel chấm dứt”.
Đúng như quy luật của vòng xoáy bạo lực, ngày 1-11, theo Reuters, Israel tuyên bố điều động các tàu tên lửa lớp Saar tiến vào Biển Đỏ, khu vực mà Tel Aviv coi như một mặt trận mới của mình. Trước đó, cùng với việc đẩy mạnh tấn công Gaza, Israel cũng đã tiếp tục không kích vào Lebanon và Syria để trả đũa Hezbollah và các chiến binh Syria. Bất chấp lời kêu gọi đình chiến và cả những phản ứng gắt gao như việc Bolivia tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Isarael vì chiến sự ở Gaza, ngày 1-11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, dù chiến dịch quân sự tại Gaza có thể kéo dài nhưng nước này sẽ tiếp tục chiến đấu cho tới khi giành thắng lợi.
Tính đến ngày 31-10, số người chết vì xung đột ở phía Palestine đã vượt qua 8.500, theo thông tin từ cơ quan y tế tại Gaza do Hamas kiểm soát. Trong khi đó, số người chết bên phía Israel là 1.538, theo đài Kan. Đáng chú ý, số trẻ em thiệt mạng ở Gaza trong ba tuần qua vượt tổng số trẻ em thiệt mạng tại tất cả khu vực xung đột trên toàn cầu kể từ năm 2019. Cứ 10 người chết thì có 4 trẻ em.
Những nguy cơ tác động toàn cầu
Dù quy mô lan rộng của xung đột quân sự ở Gaza có thể không vượt ra khỏi Trung Đông, song những hệ lụy đã lan ra ở nhiều phương diện khác trên toàn thế giới, theo tổ chức nghiên cứu Wilson Center (Mỹ). Một trong những nguy cơ nhãn tiền là nền kinh tế toàn cầu, trong đó có giá dầu và giá lương thực, đang đối mặt với rủi ro khủng hoảng mới.
Ngày 30-10, Ngân hàng Thế giới cảnh báo, xung đột Israel-Hamas có thể gây cú sốc đối với kinh tế toàn cầu. Trong kịch bản tồi tệ nhất, giá dầu có thể tăng lên 150 USD/thùng và hàng triệu người sẽ đói vì giá lương thực tăng cao. Điều này có thể gợi nhớ về khủng hoảng từng xảy ra trong cuộc chiến năm 1973, khi các nước Arab trong nhóm OPEC, dẫn đầu là Saudi Arabia, áp lệnh cấm vận dầu mỏ với Mỹ để trả đũa sau khi Mỹ tái cấp vũ khí cho Israel.
Bên cạnh tác động kinh tế, nguy cơ thế giới tiếp tục phân cực và chia rẽ sâu sắc hơn khi thực tế hiện ra rất rõ “hai phe”: một bên ủng hộ Israel, một bên ủng hộ Palestine trong số các nước lớn. Giới quan sát cũng chỉ ra những thách thức chiến lược mới khi mà dù xung đột chưa kết thúc, và có thể khi cả hai bên tham chiến đều sẽ cùng thua thì vẫn có những quốc gia bên ngoài trở thành “bên thắng” khi tận dụng được những rối ren đó để giành lợi ích cho mình.
Những người nước ngoài đầu tiên được phép rời Gaza Theo AFP, sáng 1-11 giờ địa phương, nhiều người có hộ chiếu nước ngoài bị mắc kẹt ở Gaza được phép rời khu vực này qua cửa khẩu Rafah để sang bên kia lãnh thổ Ai Cập. Đây là lần đầu tiên cửa khẩu này được mở cho người đi qua kể từ ngày 7-10 bởi trước đó chỉ mở cho xe chở hàng cứu trợ. Theo đó, khoảng 400 người nước ngoài và những người Palestine mang hai quốc tịch, cùng khoảng 90 người bị bệnh và bị thương được Hamas cho phép rời đi. Đây là kết quả của nỗ lực đàm phán trung gian của Qatar với Ai Cập, Hamas và Israel, đồng thời có sự điều phối với Mỹ. Trong số khoảng 220 con tin bị Hamas bắt giữ, có tới hơn một nửa là người nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý có khoảng 54 người Thái Lan, đây cũng là nhóm người nước ngoài đông nhất trong số các con tin. Ngoại trưởng Thái Lan đang có chuyến thăm khẩn cấp đến Qatar và Ai Cập nhằm trao đổi về số phận của các con tin người Thái. Ngày 31-10, cánh vũ trang của Hamas, Lữ đoàn Ezzedine Al-Qassam, tuyên bố lực lượng này sẽ trả tự do cho một số con tin nước ngoài đang bị giam giữ trong những ngày tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phủ quyết dự luật hỗ trợ Israel Theo Reuters, ngày 31-10, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không phê chuẩn dự luật do đảng Cộng hòa đề xuất với nội dung chỉ hỗ trợ Israel mà không giúp Ukraine. Tuần trước, Nhà Trắng phác thảo kế hoạch bổ sung ngân sách an ninh quốc gia khoảng 106 tỷ USD, trong đó bao gồm cả tiền viện trợ Israel và Ukraine và nhiều khoản chi khác. Tuy nhiên, trong gói ngân sách do đảng Cộng hòa công bố chỉ gồm 14,3 tỷ USD hỗ trợ Israel mà không có khoản nào cho Ukraine. |
TRẦN ĐẮC LUÂN