"Cường quốc hạt nhân" mới

.

Quốc gia nào gần đây đã gia nhập câu lạc bộ các “cường quốc hạt nhân”? Đó là Belarus, nước láng giềng thân thiết của Nga. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố thông tin này vào ngày 29-1.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tham quan nhà máy điện hạt nhân Belarus gần thành phố Ostrovets (Belarus) năm 2020. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tham quan nhà máy điện hạt nhân Belarus gần thành phố Ostrovets (Belarus) năm 2020. Ảnh: Sputnik

Tiết lộ này đề cập Belarus vận hành thành công nhà máy điện hạt nhân đầu tiên do Rosatom, tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước của Nga xây dựng.

Bước tiến lớn

Nằm không xa thành phố Ostrovets ở phía tây bắc Belarus, nhà máy điện này được xây dựng từ năm 2013 đến năm 2023 bởi Atomstroyexport, một công ty con của Rosatom. RIA Novosti cho biết, đây là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên bên ngoài Nga sử dụng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3+ hiện đại nhất của tập đoàn năng lượng Rosatom. Tổng thống Putin nhận định, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Belarus là bước tiến lớn, tạo ra ngành công nghiệp hoàn toàn mới ở nước láng giềng Belarus. Đài RT dẫn lời nhà lãnh đạo Nga nói thêm: “Theo nghĩa này, Belarus chắc chắn đã trở thành cường quốc hạt nhân”.

Theo BelTA, trong cuộc gặp một số nhân viên và công nhân xây dựng của nhà máy điện hạt nhân Belarus, các công nhân cơ sở hạ tầng xã hội và cư dân ở Ostrovets vào tháng 11-2023, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết, việc hoàn thành xây dựng và khánh thành nhà máy điện hạt nhân là món quà dành cho đất nước, với kỳ vọng giúp truyền sức sống cho vùng đất phía tây bắc này cùng nhiều lĩnh vực khác. Theo ông, năng lượng hạt nhân hiện nay được công nhận là năng lượng sạch và thân thiện với môi trường.

Theo RT, hợp tác quân sự giữa hai nước láng giềng tiếp tục được đẩy mạnh trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine. Ông Putin tuyên bố, quyết định triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus vào tháng 3-2023 nhằm đáp lại kế hoạch của Anh cung cấp cho Ukraine đạn uranium nghèo, một động thái bị Nga chỉ trích là “liều lĩnh và vô trách nhiệm”. Tháng 7-2023, Nga cho biết, họ có thể xem xét rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus nếu Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đảo ngược đường lối chính trị hiện tại và loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu cũng như dỡ bỏ cơ sở hạ tầng của nước này.

Tháng 6-2023, Nga cho triển khai một số vũ khí hạt nhân ở Belarus thể theo yêu cầu của chính quyền nước này. Giới lãnh đạo Belarus khi đó tuyên bố, mục đích Nga chuyển vũ khí hạt nhân tới nước này là nhằm chuyển thông điệp răn đe các chính sách gây căng thẳng của một số quốc gia phương Tây, cũng như mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Mỹ đặt trên lãnh thổ một số quốc gia thân cận Mỹ ở châu Âu. Nga cũng ra tín hiệu sẵn sàng sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào có sẵn để bảo vệ Belarus nếu nước này bị tấn công.

Bên cạnh đó, Belarus cũng hợp tác với Nga để phát triển công nghệ vũ trụ. Đó là một hướng đi mới khác ngoài việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Đáp ứng nhu cầu điện năng

Theo BelTA, lò phản ứng đầu tiên của nhà máy bắt đầu phát điện vào tháng 11-2020. Công ty Nga vào thời điểm đó thông báo, “theo nghĩa vụ hợp đồng, Rosatom chịu trách nhiệm về khả năng hoạt động của thiết bị của tổ máy trong thời gian bảo hành”. Tháng 11-2023, Bộ Năng lượng Belarus chính thức “bật đèn xanh” cho hoạt động thương mại của tổ máy điện thứ hai tại nhà máy. Nhà máy dự kiến đáp ứng 40% nhu cầu năng lượng của quốc gia, các phương tiện truyền thông đưa tin vào thời điểm đó.

Giới chức nước này cho biết, quyết định sử dụng nhiều hạt nhân hơn sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá mức tiêu thụ điện trong tương lai: “Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai hoặc tổ máy thứ ba của nhà máy điện hạt nhân hiện tại đang được các chuyên gia và cơ quan chính phủ đang xem xét về mặt tổ chức, kỹ thuật và kinh tế.” Belarus dự định sản xuất đạt 44 tỷ kWh điện vào năm 2025 và 47 tỷ kWh đến năm 2030. Không chỉ góp phần giải quyết nhu cầu sử dụng điện năng trong nước, với sự hình thành trong tương lai các tổ máy mới, cũng như xây dựng nhà máy thứ hai, sẽ giúp Belarus từng bước hiện thực hóa tham vọng có thể trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ năng lượng được tạo ra từ hạt nhân.

Bên cạnh xem hợp tác với Nga trong lĩnh vực này là ưu tiên hàng đầu. Các nhà khoa học hạt nhân Belarus đang để mắt đến các đồng nghiệp Trung Quốc vốn có nhiều kinh nghiệm trong việc sửa chữa các tổ máy về tốc độ và quy trình thực hiện.

Ukraine sẽ có nhà máy điện hạt nhân mới lớn nhất châu Âu
Ngày 29-1, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết tất cả 4 lò phản ứng mới sẽ được đặt tại nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi ở miền Tây nước này. Ông nêu rõ nhà máy Khmelnytskyi sẽ có 2 lò phản ứng được sản xuất theo thiết kế của Mỹ.
Nhà máy Khmelnytskyi được xây từ thập niên 1980 và đi vào hoạt động một năm sau thảm họa Chernobyl năm 1986. Nhà máy hiện có 2 lò phản ứng. Từ lâu, Ukraine lên kế hoạch xây thêm 2 lò phản ứng, song việc xây dựng bị trì hoãn. Khmelnytskyi sẽ có 2 lò phản ứng AP1000 mới do công ty của Mỹ thiết kế. Các lò phản ứng thứ ba và thứ tư sẽ có thiết kế VVER-1000 của Liên Xô. Với 6 lò phản ứng hạt nhân, đây sẽ trở thành nhà máy lớn nhất ở châu Âu, thậm chí có công suất lớn hơn nhà máy Zaporizhzhia. Quá trình xây dựng sẽ mất nhiều năm, với lò phản ứng thứ ba dự kiến đi vào hoạt động trong hơn 2 năm.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.