Quốc tế

Điều gì làm "nóng" cuộc gặp ở Davos?

08:02, 16/01/2024 (GMT+7)

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2024 tại thành phố Davos (Thụy Sĩ) tập trung giải quyết những vấn đề toàn cầu cấp bách nhất với tôn chỉ “tái thiết niềm tin”.

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2024 diễn ra từ ngày 15 đến 19-1 tại thành phố Davos (Thụy Sĩ). Ảnh: Reuters
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2024 diễn ra từ ngày 15 đến 19-1 tại thành phố Davos (Thụy Sĩ). Ảnh: Reuters

Diễn ra từ ngày 15 đến 19-1, chương trình nghị sự WEF 2024 xoay quanh 4 nội dung chính: an ninh toàn cầu; tạo việc làm; chống biến đổi khí hậu; phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Vấn đề Gaza, Ukraine, AI là tâm điểm

Tiếp nối truyền thống như những lần trước, sự kiện năm nay tiếp tục vượt ra khỏi những vấn đề kinh tế thông thường. Theo đó, bên cạnh bàn luận giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vốn đang ì ạch và giải quyết khủng hoảng chi phí sinh hoạt dai dẳng trong bối cảnh lãi suất cao, WEF 2024 nỗ lực đi tìm lời giải cho những vấn đề nóng nhất, trong đó có địa chính trị.

Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo chủ chốt ở Trung Đông tề tựu tại WEF 2024. Các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Gaza và Ukraine là nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của giới thượng lưu toàn cầu này. Chủ tịch WEF Borge Brende cho biết, phần lớn trọng tâm của sự kiện năm nay là các cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao về các vấn đề địa chính trị cấp bách ở Trung Đông, Ukraine và châu Phi.

Điểm mới đáng chú ý khác là lần đầu tiên AI được đưa ra bàn luận với tần suất dày đặc. Theo đó, chủ đề “AI là động lực cho nền kinh tế và xã hội” có khoảng 30 phiên thảo luận riêng biệt. Đây là minh chứng cho thấy công nghệ đã thu hút được sự chú ý lớn và ngày càng tăng tại Davos.

Nhận định về tầm ảnh hưởng của WEF, các chuyên gia cho rằng, mặc dù không đưa ra giải pháp chắc chắn cho các vấn đề “nóng” nhất nhưng cuộc gặp tại Davos vẫn có thể được coi là cơ hội để giảm thiểu các yếu tố dẫn đến xung đột toàn cầu. Al Jazeera dẫn lời Giáo sư Jan Aart Scholte về chuyển đổi toàn cầu và thách thức quản trị tại Đại học Leiden (Hà Lan) cho biết: “WEF chắc chắn là lực lượng chính thúc đẩy các ý tưởng về quan hệ đối tác công tư và hợp tác nhiều bên liên quan nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu. Giống như tất cả các diễn đàn chính trị, WEF là diễn đàn hữu ích để một số nhà lãnh đạo toàn cầu có những cuộc thảo luận trực tiếp, không chính thức bên lề hội nghị”.

Để mắt đến tầng lớp tỷ phú

Dù nằm ngoài chương trình nghị sự, nhưng khoảng cách giàu nghèo đang có chiều hướng tăng cao cũng sẽ là vấn đề thu hút sự chú ý tại Davos. Ngày 14-1, Guardian dẫn báo cáo của tổ chức Oxfam công bố trước thềm WEF cho biết, tài sản của 5 người giàu nhất thế giới (Jeff Bezos, Warren Buffett, Bernard Arnault, Larry Ellison và Elon Musk) tăng đến 114% (869 tỷ USD) kể từ năm 2020. Trái lại, trong giai đoạn đó, gần 5 tỷ người trên thế giới trở nên nghèo hơn do phải đối mặt với lạm phát, chiến tranh và khủng hoảng khí hậu. Ước tính, nếu muốn xóa đói giảm nghèo với điều kiện hiện tại thì sẽ phải mất đến 230 năm.

Oxfam cho biết, 148 tập đoàn lớn nhất thế giới kiếm được gần 1.800 tỷ USD lợi nhuận trong 12 tháng, tính đến tháng 6-2023, tăng 52% so với mức trung bình trong 3 năm. Dầu khí, dược phẩm và tài chính là những lĩnh vực thu lợi nhuận cao nhất trong 1 hoặc 2 năm qua so với mức trung bình những năm trước. Trong khi đó, gần 800 triệu công nhân chứng kiến mức lương của họ trong 2 năm qua không theo kịp mức tăng lạm phát, dẫn đến trung bình mỗi công nhân mất 25 ngày thu nhập hằng năm.

Aleema Shivji, Giám đốc điều hành lâm thời của Oxfam, cho biết: “Những thái cực này không thể được chấp nhận như một chuẩn mực mới, thế giới không thể chấp nhận thêm một thập kỷ chia rẽ nữa. Tỷ lệ nghèo cùng cực ở các quốc gia nghèo nhất vẫn cao hơn so với trước Covid-19, tuy nhiên một số ít người siêu giàu đang chạy đua để trở thành tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên trên thế giới trong vòng 10 năm tới”.  Do đó, Oxfam kêu gọi phải xoa dịu tình trạng bất bình đẳng toàn cầu ngày càng gia tăng, trong đó các cá nhân và những công ty giàu nhất không chỉ tích lũy được khối tài sản kếch xù hơn nhờ giá cổ phiếu tăng mà còn có tầm ảnh hưởng lớn hơn. “Quyền lực doanh nghiệp” có thể gây bất bình đẳng theo hướng tạo sức ép đối với người lao động, làm lợi cho các cổ đông giàu có, trốn thuế và tư nhân hóa nhà nước.

THƯ LÊ

Thủ tướng Chính phủ tham dự WEF 2024

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị thường niên lần thứ 54 của WEF từ ngày 16-1 là dịp để Việt Nam khẳng định đóng góp và vai trò tại các diễn đàn đa phương. Tại Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại các phiên trọng tâm của hội nghị, gồm phiên đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF với các tập đoàn hàng đầu về chủ đề “Chân trời tiếp theo: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam”; phiên đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu”, và phiên thảo luận với một số lãnh đạo ASEAN về “Thúc đẩy vai trò hợp tác toàn cầu trong ASEAN”. TTXVN

.