Quốc tế
Nhật Bản và "tinh thần thép" trong thảm họa
Lực lượng cứu hộ Nhật Bản tiếp tục chạy đua với thời gian trong khi phải chống chọi thời tiết xấu với hy vọng tìm thêm người sống sót sau trận động đất mạnh 7,6 độ ở miền trung nước này khi 72 “giờ vàng” cứu hộ dần trôi.
Người dân xếp hàng nhận nước ở tỉnh Ishikawa vào ngày 2-1, sau trận động đất. Ảnh: AFP |
Theo Reuters, tính đến 17 giờ ngày 3-1, ít nhất 64 người chết, hơn 300 người bị thương trong trận động đất xảy ra vào chiều 1-1 với tâm chấn nằm gần bán đảo Noto thuộc tỉnh Ishikawa. Số thương vong dự kiến tiếp tục tăng khi còn nhiều người vẫn đang bị mắc kẹt.
Chạy đua cứu nạn
Theo Japan Times, ngày 2-1, hội đồng chuyên gia của Nhật Bản cho biết, trận động đất xảy ra do đứt gãy nghịch gây ra trong hoạt động kiến tạo của vỏ Trái đất. Vùng hoạt động kiến tạo đang mở rộng trong và xung quanh khu vực. Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cảnh báo mưa lớn, thời tiết rét buốt tại các khu vực bị ảnh hưởng, làm dấy lên lo ngại về lở đất có thể cản trở nỗ lực giải cứu trong khi “giai đoạn vàng” để tìm người còn sống (72 giờ đầu tiên sau động đất) đang dần đến hồi kết. Đường sá bị chia cắt, cơ sở hạ tầng hư hại nghiêm trọng và việc khó tiếp cận của những khu vực xa xôi bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng khiến công tác cứu hộ thêm phức tạp. Toàn bộ mức độ thiệt hại và thương vong có thể vẫn chưa rõ ràng hai ngày sau trận động đất.
Ngày 3-1, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết: “Hơn 40 giờ đã trôi qua kể từ thảm họa. Chúng tôi nhận rất nhiều thông tin về những người cần cứu hộ và giúp đỡ. Công tác cứu hộ tiếp tục tăng cường về quy mô”. Chính phủ nước này đã chỉ đạo mở tuyến đường biển tạm thời để cung cấp viện trợ khẩn cấp cho một số khu vực xa xôi hơn.
Kỹ năng ứng phó của người Nhật
Có thể thấy trận động đất xảy ra ở Nhật Bản lần này có số thương vong tương đối thấp dù có cường độ cao hơn các trận đã xảy ra ở Trung Quốc (6,2 độ) và hay Maroc (6,8 độ) và gần như tương đương cơn địa chấn khủng khiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria (7,8 độ) vào năm 2023. Theo giới chuyên gia, chính phương pháp chuẩn bị và khắc phục thảm họa giúp Nhật Bản giảm thiểu đáng kể thiệt hại về người. Bên cạnh cảnh báo kịp thời đến công chúng, phản ứng chuyên nghiệp của giới chức, tâm lý sẵn sàng chống chọi với thảm họa vốn gần như đã trở thành tố chất của người dân Nhật Bản. Đây là quốc gia nổi tiếng về sự gắn kết cộng đồng, vai trò của cá nhân và sự tự lực đã trở thành “câu thần chú” trong nỗ lực ứng phó đầu tiên trước thảm họa. “Người dân Ishikawa trước nay luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng ứng phó vì khu vực này phải hứng chịu nhiều trận động đất trong những năm gần đây. Họ đã chuẩn bị kế hoạch sơ tán và dự trữ nguồn cung khẩn cấp trong trường hợp xảy ra thảm họa”, Giáo sư Toshitaka Katada, chuyên gia về thảm họa tại Trường Đại học Tokyo, nhận định với Reuters.
Trong khi đó, ông Daniel Aldrich, Giáo sư khoa học chính trị, chính sách công và các vấn đề đô thị của Đại học Northeastern (Mỹ), cho biết: “Khi xem xét tỷ lệ tử vong do động đất và so sánh nó với số tiền mà các chính phủ chi cho những việc như xây dựng mạng lưới an toàn cộng đồng, tôi nhận thấy có mối tương quan rất cao khi các nước như Nhật Bản chi nhiều tiền hơn để bảo đảm an toàn cho người dân và có sự chuẩn bị ứng phó tốt hơn”. Học sinh ở Nhật Bản tổ chức diễn tập động đất, giống như cách các trường học ở Mỹ tổ chức diễn tập chữa cháy.
Sau khi mối đe dọa trước mắt của trận động đất qua đi, tỉnh Ishikara sẽ chuyển sang giai đoạn phục hồi lâu dài với “kế hoạch phục hồi cộng đồng”. Sau thảm họa này, Nhật Bản sẽ tiếp tục đúc rút kinh nghiệm và có phát kiến mới giúp giảm thiểu thiệt hại thiên tai. Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản đang cải tiến hệ thống phát hiện động đất sớm cho tàu cao tốc Shinkansen, theo đó tàu có thể phanh khẩn cấp hơn nữa khi có động đất xảy ra.
Cuộc thoát hiểm thần kỳ Nỗ lực áp dụng thành công “quy tắc 90 giây thoát hiểm” giúp toàn bộ 379 người sơ tán an toàn khỏi chiếc Airbus A350 của Japan Airlines bốc cháy sau khi va chạm với máy bay của Cảnh sát biển (JCG) tại sân bay Haneda (Tokyo) tối 2-1. Theo Business Insider, thiết kế hiện đại của máy bay, sự chuyên nghiệp của phi hành đoàn, cùng với sự hợp tác và bình tĩnh của hành khách vào giờ phút căng thẳng cực độ, có thể là chìa khóa để ngăn chặn thảm kịch trong biển lửa. Trước khi bắt đầu chiến đấu với ngọn lửa, đội cứu hỏa triển khai cầu trượt thoát hiểm cho hành khách. Điều quan trọng là dường như không ai dừng lại để lấy hành lý xách tay, giúp bảo đảm đường đi thông thoáng đến lối thoát hiểm. Cuộc sơ tán thành công cũng cho thấy cabin của Airbus A350 được thiết kế bằng vật liệu đặc biệt để ngăn lửa lan nhanh và tạo khói độc. Hành khách cũng dễ tiếp cận lối thoát hiểm ở bất cứ chỗ ngồi nào và có đèn báo vị trí của chúng trong điều kiện tầm nhìn kém. Giới quan sát so sánh sự cố này với vụ tai nạn tương tự ở Moscow (Nga) vào năm 2019 khi chiếc máy bay của Aeroflot bốc cháy trong lúc hạ cánh, khiến 41 người thiệt mạng. Về nguyên nhân vụ tai nạn ngày 2-1, theo giới chức Nhật Bản, vụ va chạm có thể xảy ra do cơ trưởng máy bay của JCG hiểu nhầm chỉ dẫn từ kiểm soát viên không lưu. |
THƯ LÊ