Quốc tế

Vì sao Iraq muốn chấm dứt hiện diện của quân đội Mỹ?

10:27, 09/01/2024 (GMT+7)

Sau 10 năm tiến hành cuộc chiến nhằm lật đổ chính quyền của Tổng Saddam Hussen, vào năm 2014, Mỹ và liên quân gồm Anh, Pháp và Tây Ban Nha lại triển khai lực lượng khoảng 2.500 binh sĩ tại Iraq và 900 binh sĩ tại Syria để truy quét Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang giành được quyền kiểm soát một vùng rộng lớn tại hai quốc gia này.

Do IS đã không còn đủ năng lực kiểm soát lãnh thổ trong khu vực, tháng 7-2020, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Iraq thông qua thỏa thuận kết thúc nhiệm vụ chiến đấu của Mỹ tại nước này vào cuối năm 2021, nhưng vẫn còn căn cứ quân sự đồn trú.

Thế nhưng, lực lượng đối đầu Mỹ, trong đó có nhóm vũ trang “Lực lượng kháng chiến tại Iraq và Syria” thân Iran, vẫn tìm cách tấn công và kêu gọi chấm dứt sự có mặt quân đội Mỹ và đồng minh tại hai quốc gia này, nhất là từ khi cuộc xung đột Israel - Hamas bùng phát ở Dải Gaza vào đầu tháng 10-2023. Các lực lượng này cho rằng, Mỹ phải chịu một phần trách nhiệm khi xung đột ở Dải Gaza diễn ra đã khiến hàng vạn dân thường thương vong, thảm họa nhân đạo đang đè lên hàng triệu người Palestine vô tội.

Tại Iraq, nhóm này đã sử dụng máy bay không người lái tập kích căn cứ không quân “Tự do” mà Mỹ đang vận hành ở tỉnh Arbil. Thậm chí, Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad cũng bị tấn công vào ngày 8-12-2023. Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng Syria, nhóm vũ trang đã tấn công căn cứ Al Shedadi của Mỹ ở khu vực phía đông.

Quân đội Mỹ cho biết, lực lượng nước này tại Iraq và Syria đã bị tấn công hơn 100 lần bằng rocket và máy bay không người lái. Để trả đũa, ngày 4-1, máy bay không người lái (UAV) của Mỹ phóng tên lửa trúng trụ sở của Harakat al-Nujaba là “trung tâm hỗ trợ hậu cần của liên minh Hachd Al-Chaabi” ở phía đông Baghdad, khiến Mushtaq Talib Al-Saidi, thủ lĩnh của nhóm dân quân Harakat al-Nujaba ở khu vực Baghdad (thủ đô Iraq) và 3 thành viên khác thiệt mạng.

Harakat al-Nujaba, có tên gọi chính thức là lữ đoàn số 12, là một bộ phận của Lực lượng Tổng động viên (PMU) tại Iraq. Tổ chức này bao gồm hơn 60 nhóm dân quân với quân số 230.000 người, chủ yếu là lực lượng của người Hồi giáo dòng Shiite, ngoài ra còn có các nhóm dân quân Hồi giáo Sunni, Cơ đốc giáo và Yazidi... Theo Reuters, nhóm dân quân Harakat al-Nujaba được cho là hoạt động dưới quyền của Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani. Vụ việc đã khiến các lực lượng thân Iran ở Iraq phẫn nộ và yêu cầu chính quyền Iraq chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ và các đồng minh ở quốc gia Trung Đông này.

Trong khi đó, chính quyền Iraq coi cuộc tấn công của Mỹ là “giọt nước tràn ly” về mối quan hệ vốn không mặn mà giữa Washington với Baghdad lâu nay. Ngay tại lễ tưởng niệm tướng Qassem Soleimani, lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, bị sát hại cách đây 4 năm ở Bagdad trong một vụ tấn công bằng drone do Mỹ tiến hành, ngày 5-1, Văn phòng Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani ra thông cáo cho biết: “Chúng tôi nhấn mạnh lập trường vững chắc trong việc chấm dứt sự hiện diện của liên minh quân sự quốc tế. Những lời biện minh cho sự tồn tại của liên minh này đã chấm dứt”. Đồng thời nhấn mạnh: “Chính phủ đang ấn định ngày thành lập ủy ban song phương nhằm chấm dứt vĩnh viễn sự hiện diện của liên minh quân sự quốc tế ở Iraq”.

Trong bối cảnh Mỹ đang chạy đôn, chạy đáo nhằm lập liên minh quân sự để ngăn chặn các vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái do Phong trào Houthi ở Yemen thực hiện nhằm vào các tàu thuyền trên Biển Đỏ, cũng như nỗ lực ngoại giao “con thoi” tháo ngòi nổ cuộc xung đột Hamas-Israel để tránh nguy cơ lan rộng, thì động thái này của Iraq đã gây khó cho Mỹ, làm sụt giảm vai trò của một siêu cường và càng cho thấy tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực Trung Đông đã tăng lên đáng kể, là mối lo ngại lớn của Mỹ và các đồng minh phương Tây. Bởi Mỹ và đồng minh số một của mình ở Trung Đông là Israel đều cho rằng, các “biến cố” lớn đã và đang xảy ra đều có “nhân tố” Iran, một cường quốc khu vực trỗi dậy mạnh mẽ đang thách thức vai trò và tầm ảnh hưởng của Washington. Như Giám đốc CIA Burns đã từng thừa nhận “thất bại ở Iraq đã làm tổn hại hình ảnh và uy tín của Mỹ”.

LÊ MINH HÙNG

.