Quốc tế
Bước tiến lớn của Nhật Bản về vũ trụ
Nhật Bản vừa phóng thành công tên lửa H3 thế hệ mới sau khi trở thành quốc gia thứ 5 đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng; đồng thời tiết lộ kế hoạch phóng vệ tinh làm từ gỗ đầu tiên trên thế giới. Những sự kiện này khẳng định quyết tâm của nước này trong cuộc đua chinh phục vũ trụ đầy cạnh tranh.
Thành công sau những thất bại
Kyodo dẫn thông tin từ Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết, tên lửa H3 số 2 được phóng vào ngày 17-2 từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima (tỉnh Kagoshima). Tên lửa, do Mitsubishi Heavy Industries phát triển, đi vào quỹ đạo theo kế hoạch và triển khai một vệ tinh giả và hai vệ tinh siêu nhỏ đang hoạt động. Đây là nỗ lực thứ hai của Nhật Bản để đưa tên lửa H3 lên quỹ đạo. Trong vụ phóng đầu tiên diễn ra tháng 3-2023, chế độ tự hủy đã được kích hoạt sau ít phút tên lửa được phóng đi vì động cơ giai đoạn 2 của tên lửa hoạt động không như tính toán. Để giải quyết vấn đề, tên lửa H3 số 2 có hệ thống đánh lửa được cải tiến. Động cơ giai đoạn hai của tên lửa này đã được kích hoạt đúng cách khoảng 5 phút sau khi cất cánh.
Trước đó, JAXA ngày 20-1 thông báo, Tàu đổ bộ thông minh khảo sát Mặt trăng (SLIM) của nước này đã đáp xuống bề mặt Mặt Trăng, đưa Nhật Bản trở thành nước thứ 5 - sau Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và Ấn Độ - trong việc đưa tàu hạ cánh trên vệ tinh tự nhiên của Trái đất. Chủ tịch JAXA Hiroshi Yamakawa cho biết, cuộc hạ cánh có độ chính xác của SLIM là lần đầu tiên trên thế giới và là công nghệ quan trọng cho hệ thống thăm dò không gian bền vững, lâu dài và chính xác.
Đáng chú ý, theo tờ Guardian, Nhật Bản dự kiến phóng vệ tinh làm từ gỗ đầu tiên trên thế giới có tên LignoSat vào tháng 5-2024 sau khi thử nghiệm ban đầu trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) cho thấy vệ tinh này đặc biệt ổn định và không bị nứt trong quá trình hoạt động. Vệ tinh gỗ thể hiện ý tưởng sử dụng vật liệu phân hủy sinh học như gỗ thay thế cho kim loại vốn được dùng để chế tạo vệ tinh lâu nay. Khác với vệ tinh thông thường, vệ tinh gỗ LignoSat sẽ tự tiêu hủy một cách an toàn trên đường quay trở lại bầu khí quyển Trái đất.
Bảo đảm vị thế
Thủ tướng Nhật bản Kishida Fumio ca ngợi vụ phóng thành công H3 thể hiện năng lực sản xuất tên lửa của Nhật Bản. H3 được phóng thành công là bước tiến mới và là bước nhảy vọt lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực vũ trụ không gian. H3 đóng vai trò phương tiện phóng hạng nặng thế hệ tiếp theo của Nhật Bản trong khoảng 20 năm, cho phép nước này tiếp cận không gian vũ trụ một cách thường xuyên, qua đó xây dựng chỗ đứng trong ngành kinh doanh phóng vệ tinh ngày càng cạnh tranh trên toàn cầu.
H3 được kỳ vọng thay thế H2A hoạt động đã sau 2 thập niên. H3 có chi phí chế tạo thấp hơn và khả năng tải trọng lớn, do đó được kỳ vọng sẽ giúp Nhật Bản thu hút khách hàng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ trong tương lai. Theo AFP, Nhật Bản có kế hoạch phóng khoảng 20 vệ tinh và tàu thăm dò bằng tên lửa H3 vào năm 2030. H3 dự kiến cung cấp tàu thám hiểm Mặt trăng cho dự án LUPEX chung giữa Nhật Bản và Ấn Độ vào năm 2025, cũng như chở hàng cho chương trình thám hiểm Mặt trăng Artemis do Mỹ dẫn đầu vào năm 2025.
Trong khi đó, công nghệ hạ cánh chính xác của SLIM có thể giúp Nhật Bản đóng góp lớn vào các dự án không gian quốc tế sắp tới cũng như bảo đảm lợi thế trong cuộc đua công nghệ vũ trụ toàn cầu, trong bối cảnh các cường quốc về không gian khác của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã công bố kế hoạch chinh phục vũ trụ trong tương lai gần. Ấn Độ đặt mục tiêu bắt đầu một loạt chuyến bay thử nghiệm để chuẩn bị cho chuyến bay có phi hành gia vào vũ trụ trong năm 2024 và đặt tầm nhìn xây dựng một trạm vũ trụ vào năm 2035, đưa người Ấn Độ đầu tiên lên Mặt trăng vào năm 2040. Tương tự, Trung Quốc cũng đã công bố dự án đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2030.
GIA NGHI