Quốc tế

Bước tiến mới trong cấy chip vào não người

09:40, 03/02/2024 (GMT+7)

Neuralink, công ty khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ thần kinh của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, vừa thực hiện ca cấy ghép chip lần đầu tiên trên não người và bệnh nhân đang có chuyển biến sức khỏe khả quan.

“Thần giao cách cảm”

Theo Reuters, trong bài đăng trên mạng xã hội X ngày 30-1, ông Musk thông báo, Neuralink đã thực hiện cấy ghép cho bệnh nhân đầu tiên và bệnh nhân đang hồi phục tốt. Kết quả ban đầu cho thấy, các ghi nhận xung động hứa hẹn của tế bào thần kinh.  Năm ngoái,  Neuralink được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt việc đưa thiết bị cấy ghép vào não người, đánh dấu cột mốc quan trọng đối với một công ty khởi nghiệp nhằm giúp bệnh nhân vượt qua trạng thái liệt vận động và một loạt các bệnh thần kinh khác. Tháng 9-2023, Neuralink được chấp thuận tuyển bệnh nhân bại liệt cho thử nghiệm cấy ghép não người kéo dài 6 năm.

Thử nghiệm của Neuralink sử dụng robot phẫu thuật để đặt giao diện não - máy tính vào vùng não kiểm soát ra lệnh cho việc di chuyển. Neuralink cho biết ý định ban đầu của công ty là giúp con người có thể điều khiển con trỏ chuột hay bàn phím máy tính chỉ bằng ý nghĩ. Theo Neuralink, thiết bị cấy ghép của công ty có các sợi “siêu mịn” giúp truyền tín hiệu trong não bệnh nhân cấy ghép. Trong một bài đăng trên X, nhà sáng lập Musk nói sản phẩm của Neuralink có thể được gọi là “thần giao cách cảm”. Thành tựu y học này có ý nghĩa lớn trong việc mở rộng khả năng điều trị các bệnh lý liên quan tới hệ thần kinh cũng như các cơ quan điều khiển trong não bộ con người.

Những lo ngại vẫn còn

Tuy đạt được những thành công bước đầu, Neuralink vẫn phải đối diện với nhiều kêu gọi yêu cầu xem xét kỹ lưỡng cho các giao thức an toàn. Vào tháng 11-2023, bốn nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC)  điều tra về khả năng ông Musk lừa dối các nhà đầu tư về sự an toàn cho công nghệ này, sau khi nhiều hồ sơ cho thấy việc cấy ghép đã gây ra nhiều vấn đề trên khỉ, bao gồm liệt, co giật và sưng não.

Tháng 5-2023, tạp chí Wired đưa tin, khoảng một tá con khỉ Rhesus mà Neuralink thử nghiệm phải trải qua tất cả các triệu chứng kỳ lạ, bao gồm sưng não, tê liệt một phần và hành vi tự làm hại bản thân. Khoảng 21% khỉ mà Neuralink thí nghiệm được báo cáo đã tử vong vì các vấn đề cấy ghép chip lên não.

Hầu hết thí nghiệm được đề cập diễn ra trong năm 2019 và 2020, giai đoạn ban đầu của công ty. Dù vậy, dường như thông tin chi tiết về các thí nghiệm ban đầu đó không được chia sẻ với nhà đầu tư của Neuralink. Do đó, SEC đã bị gây áp lực để điều tra xem liệu công ty và ông chủ của nó có lừa dối các nhà đầu tư bằng cách che giấu các sự cố hay không. Cuối năm 2022, Neuralink bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Phúc lợi động vật. Đến tháng 7-2023, cuộc điều tra kết thúc và không tìm thấy bằng chứng nào về vi phạm quy tắc nghiên cứu động vật, ngoại trừ sự cố tự báo cáo vào năm 2019 - khi bác sĩ phẫu thuật Neuralink đã sử dụng chất không được phê duyệt để bịt các lỗ khoan hộp sọ của một con khỉ.

Trung Quốc chế tạo chip não ít xâm lấn hơn Neuralink
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) vừa thông báo đã tạo ra giao diện não - máy tính  (BCI) tương tự công nghệ cấy ghép chip não của Neuralink. Thiết bị này đã đạt được bước tiến đột phá ở bệnh nhân đầu tiên và ít xâm lấn hơn chip Neuralink của ông Musk. Theo SCMP, Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh thông báo, thiết bị do nhóm nghiên cứu của họ chế tạo đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phục hồi chức năng cho một bệnh nhân được cấy ghép vào ngày 24-10-2023. Cụ thể, thiết bị cấy ghép có kích thước chỉ bằng 2 đồng xu được gọi là NEO đã giúp một bệnh nhân liệt tứ chi cử động tay với sự trợ giúp của một bộ phận giả có thể đeo được. Các nhà khoa học cho biết thiết bị này được điều khiển bởi não và không có nguy cơ gây tổn hại đến tế bào thần kinh của bệnh nhân. 

NGHI VĂN

.