Tại diễn đàn Đầu tư kết nối giao thông giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Á, tại Brussles (Bỉ) gần đây, Ủy ban châu Âu (EC) và một số tổ chức quốc tế ký một số cam kết tài chính nhằm huy động khoản đầu tư lên tới 10,81 tỷ USD, với mục tiêu phát triển các tuyến đường thương mại nối châu Âu và Trung Á trong những năm tới, không đi qua Nga.
Theo Reuters, khoản đầu tư nói trên sẽ giúp phát triển “hành lang vận tải xuyên Caspi” thành một tuyến đường hiện đại, đa phương thức, hiệu quả và bền vững. Nó sẽ giúp kết nối Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan với Đông Âu. Hơn nữa, nó cũng sẽ giúp kết nối châu Âu với các trung tâm ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, giúp việc đi lại chỉ mất tối đa 15 ngày, thậm chí là 13 ngày, vào năm 2040. Hệ thống đường bộ bảo đảm phục vụ các nước trong khu vực, trong khi phần còn lại được chia thành nhiều đoạn, bao gồm tuyến hàng hải đi qua Biển Caspi, sau đó là tuyến đường bộ đi qua Caucasus và cuối cùng, một tuyến hàng hải đi qua Biển Đen. Từ đó sẽ có nhiều khả năng tiếp cận các điểm đến ở châu Âu, qua Romania và Bulgaria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể là một lựa chọn thay thế Nga bằng đường bộ.
Kế hoạch này rất có ý nghĩa cả về kinh tế và địa chính trị đối với EU và Trung Á. Bởi hiện này các tuyến đường trực tiếp nhất nối liền hai khu vực này đều phải đi qua Nga. Việc mở rộng mạng lưới giao thông không chỉ hỗ trợ hoạt động vận tải Âu - Á mà còn góp phần tích cực cho tăng trưởng và quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Á.
GIA NGHI