Ông Biden tiến thoái lưỡng nan ở Trung Đông

.

Vụ 3 lính Mỹ thiệt mạng gần đây ở Jordan làm tăng thêm tình thế tiến thoái lưỡng nan mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đối mặt trong lúc dư luận chờ cách Mỹ phản ứng trước các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang ở Trung Đông. Làm thế nào để Mỹ không bị lôi kéo vào đối đầu trực tiếp với Iran nhưng vẫn bảo đảm độ tin cậy trong khả năng răn đe vẫn là bài toán hóc búa với ông Biden.

Với vai trò là quốc gia đỡ đầu chính cho đồng minh số một của mình ở Trung Đông nhưng Mỹ đã không ngăn chặn chiến dịch quân sự của quân đội Israel ở Gaza. Ở khía cạnh khác, từ khi bắt đầu đàm phán hòa bình ở Na Uy giữa Israel và Palestine cách đây 30 năm và sau đó đặt ra ý tưởng từng bước hình thành hai nhà nước Palestine và Do Thái đã được các bên liên quan, trong đó có Liên Hợp Quốc và Mỹ ủng hộ, thì bất ngờ mới đây Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ giải pháp này, khiến ông Biden lúng túng.

Kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, hơn 150 cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen và các nhóm dân quân Hồi giáo khác nhằm vào quân đội Mỹ đang đồn trú ở Iraq, Syria và trên Biển Đỏ. Đáng chú ý, ngày 28-1, nhóm “Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq” tuyên bố đã sử dụng UAV để tấn công quân đội Mỹ tại 3 địa điểm ở Syria, trong đó có 2 căn cứ ở gần ngã 3 biên giới giữa Iraq, Syria và Jordan khiến 3 binh sĩ thiệt mạng và 34 người khác bị thương.  Đây được xem là đòn giáng nặng nề nhất vào quân đội Mỹ ở Trung Đông kể từ khi kết thúc cuộc chiến ở Iraq và chiến dịch chống Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al-Qaeda đến nay.

Ngay lập tức, ông Biden cáo buộc Iran là “thủ phạm chủ yếu” đứng sau các vụ tấn công; đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục thực thi “cam kết với cuộc chiến chống khủng bố” và sẽ buộc mọi đối tượng liên quan đến vụ tấn công “phải chịu trách nhiệm vào thời điểm và cách thức” do Mỹ quyết định. Một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa kêu gọi “trả đũa quân sự mạnh mẽ” nhằm vào Iran. Tuy nhiên, đối với ông Biden, câu hỏi được đặt ra là Mỹ sẽ đáp trả bằng phương thức nào, hoặc là tấn công trực diện vào Iran hay nhằm vào các cứ điểm của các nhóm dân quân Hồi giáo khi mà nguy cơ xung đột đang ngày càng gia tăng trên toàn Trung Đông?

Cũng có nguồn tin khác cho biết, ông Biden có thể có hai lựa chọn: một cuộc tấn công bí mật của Mỹ vào Iran hoặc tạo ra tình huống trong đó chính quyền ông Biden sẽ nhắm trực tiếp vào các quan chức Iran. Theo Tehrantimes.com, ngày 30-1, chính quyền của ông Biden tìm cách kiềm chế những lời lẽ gay gắt của các nhà lãnh đạo thuộc đảng Cộng hòa trong Quốc hội và những người có tư tưởng “diều hâu” khi người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết: “Chúng tôi không muốn nổ ra một cuộc chiến khác. Chúng tôi không tìm cách leo thang nhưng chắc chắn sẽ làm những gì cần thiết”.

Trong khi đó, đại diện của Iran tại Liên Hợp Quốc chính thức tuyên bố họ không có liên quan đến vụ tấn công. Chính quyền Iran coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào lãnh thổ của mình là “ranh giới đỏ” và sẽ phản ứng thích hợp. Iran không muốn đối đầu trực tiếp với Mỹ nhưng sẽ “đối đầu mạnh mẽ với bất kỳ hành động phiêu lưu nào của Mỹ”.

Rõ ràng, việc Mỹ vướng vào nhiều mặt trận xung đột, cộng với cuộc khủng hoảng người di cư đang diễn ra dọc biên giới Mỹ-Mexico, đặc biệt những diễn biến khó lường tại Trung Đông hiện nay đang đặt ông Biden ở tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Phân tích của Bloomberg về diễn biến này nêu rõ: “Bất kể kết quả thế nào, cuộc tấn công sắp tới sẽ thể hiện việc Tổng thống Biden phải đưa ra quyết định có thể là một trong những quyết định mang đến nhiều hậu quả nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy. Quyết định này có thể khiến Mỹ rơi vào tình thế đối đầu trực tiếp với giới lãnh đạo Iran”.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.