Nông dân khắp châu Âu nổi giận

.

Việc hàng nghìn nông dân xuống đường biểu tình trong chiến dịch “bao vây” thủ đô Paris vô thời hạn đang gây hiệu ứng domino bởi tình trạng tương tự cũng đang khuấy động các nước châu Âu khác.

Nông dân Pháp lái máy kéo chặn đường cao tốc tại Longvilliers, gần Paris vào ngày 30-1.  Ảnh: Reuters
Nông dân Pháp lái máy kéo chặn đường cao tốc tại Longvilliers, gần Paris vào ngày 30-1. Ảnh: Reuters

Các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường và sự cạnh tranh không công bằng từ hàng nhập khẩu giá rẻ là những nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc biểu tình ở Pháp, Đức, Ba Lan, Romania, Bỉ, Hà Lan và Tây Ban Nha trong những tuần gần đây.

Làn sóng biểu tình đang lan rộng

Trong nhiều ngày qua, các cuộc biểu tình đã bùng lên ở Pháp, quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn nhất châu Âu. Cảm xúc của nông dân chuyển từ bất an sang tức giận khi họ phản đối mạnh mẽ các chính sách của chính phủ đang làm tổn hại đến lợi nhuận và khiến họ không thể cạnh tranh với các nước láng giềng vốn ít nghiêm ngặt hơn. Theo AP, trên khắp nước Pháp, những người nông dân lái xe tải chặn ở các tuyến đường cao tốc và đổ đầy nông sản ra đường ở những đoạn cửa ngõ vào Paris, trong cuộc biểu tình quy mô lớn kéo dài nhiều tuần qua nhằm gây áp lực buộc chính phủ phải hành động khẩn cấp trước tình trạng giá nông sản giảm mạnh cùng sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu của một số quốc gia, trong đó có Ukraine, trong khi thuế quan và tiêu chuẩn môi trường ngày càng cao.

Chính phủ Pháp phải huy động 15.000 cảnh sát và hiến binh bán quân sự để đáp trả, các lực lượng được yêu cầu phải thể hiện sự ôn hòa. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã gửi đến những người nông dân đang giận dữ những lời hứa hẹn từ viện trợ tiền mặt khẩn cấp đến kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, với hy vọng làm dịu làn sóng “máy kéo xuống đường” khắp nước Pháp vốn đang truyền cảm hứng cho các hành động tương tự trên khắp châu Âu.

Tại Bỉ, nông dân lên kế hoạch chặn các con đường dẫn vào cảng Zeebrugge, cảng container lớn thứ hai của nước này, nhằm phản đối tình trạng các loại chi phí gia tăng, cũng như kế hoạch nhập khẩu thực phẩm giá rẻ và chính sách môi trường của EU. Trước đó, ngày 29-1, nông dân đưa máy kéo gần Nghị viện EU ở Brussels. Một nhóm nông dân chặn một quảng trường ở trung tâm thủ đô Brussels bằng máy kéo cho biết họ sẽ ở lại đây ít nhất cho đến ngày 1-2, khi các nhà lãnh đạo chính phủ của EU triệu tập tại thành phố này. Ngày 30-1, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo gặp các hiệp hội nông dân để thương lượng và xoa dịu sự tức giận của họ. Bỉ, hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU trong 6 tháng, sẽ thảo luận một số quy định nông nghiệp của châu Âu với Ủy ban châu Âu (EC).

Tây Ban Nha cũng đối mặt tình trạng tương tự khi 3 nghiệp đoàn nông nghiệp lớn là Asaja, UPA và COAG thông báo tham gia phong trào biểu tình đang ngày một rầm rộ ở khắp châu Âu nhằm phản đối các điều kiện làm việc của người nông dân. Trong tuyên bố chung, các nghiệp đoàn nhấn mạnh: “Lĩnh vực nông nghiệp tại châu Âu và Tây Ban Nha nói riêng đang đối mặt với nhiều biến động do các điều kiện khó khăn và các quy định ngặt nghèo của châu Âu”.

Đàm phán FTA gặp khó

Các cuộc biểu tình liên tiếp ở nhiều nước châu Âu diễn ra trong bối cảnh EU đang ráo riết đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), cũng như các nước như Chile, Kenya, Mexico và Úc. Theo Reuters, hàng nhập khẩu từ Ukraine, quốc gia mà EU đã miễn hạn ngạch và thuế kể từ khi xung đột ở Ukraine, cũng như các thỏa thuận thương mại như Mercosur với các nước Nam Mỹ, đã làm dấy lên sự bất bình của nông dân về cạnh tranh không lành mạnh về đường, ngũ cốc và thịt. Họ cho rằng các sản phẩm nhập khẩu từ bên ngoài EU không tuân thủ các quy định nội bộ của khối này.

Việc ký kết thỏa thuận EU- Mercosur nhiều khả năng sẽ trì trệ do đang vấp phải phản ứng trái chiều giữa các nước thành viên EU. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, ông không muốn thỏa thuận này do thiếu sự bảo đảm rằng các sản phẩm nhập khẩu sẽ phải tuân theo các quy tắc tương tự như các quy định của châu Âu. Ở chiều ngược lại, một số thành viên EU khác ủng hộ thỏa thuận này khi tin tưởng đây sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất đối với khối về mặt cắt giảm thuế quan và là một phần trong chiến lược đa dạng hóa thương mại của EU sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và hướng đến giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Sự trỗi dậy của phe cực hữu
Các cuộc biểu tình ở Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha diễn ra sau hành động tương tự ở các nước châu Âu khác, bao gồm Đức và Ba Lan, trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6-2024. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng, chính thái độ bất mãn hiện nay của nông dân sẽ thúc đẩy các nghiệp đoàn nông dân, không chỉ ở Pháp mà trên khắp châu Âu, ủng hộ phe cực hữu. Điều này sẽ khiến giới chức EU bất an nếu trong cuộc bầu cử sắp tới, phe cực hữu giành được số ghế đáng kể ở cơ quan lập pháp châu Âu, có khả năng tạo nhiều chuyển biến trong cục diện địa chính trị khu vực. 

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.