Công ty mẹ Meta ban đầu nhận định tình trạng ngừng hoạt động bất thường trên toàn cầu của các nền tảng Facebook, Instagram, Threads và Messenger là do “sự cố kỹ thuật không xác định” trong quá trình điều tra làm rõ vụ việc.
Nhiều ứng dụng gián đoạn đồng thời
Trong khoảng thời gian vào tối 5-3 (giờ Việt Nam), hàng triệu người dùng Internet đều nháo nhào chỉ với một câu hỏi áp đảo: Facebook đã bị “sập”? theo sau sự bùng nổ của hashtag #facebookdown trở thành keyword nổi bật trên X (Twitter trước đây). Theo DownDetector, Facebook ngừng hoạt động ở mức đỉnh điểm với khoảng nửa triệu báo cáo. Số lượng phản hồi rất lớn như vậy cho thấy mức độ ảnh hưởng của sự cố lần này nghiêm trọng hơn hẳn các trường hợp lẻ tẻ xảy ra trước đây.
Thực tế, không chỉ Facebook chao đảo, vấn đề tương tự cũng xảy ra đối với các nền tảng khác của công ty mẹ Meta như Instagram, Messenger, Threads, dịch vụ tin nhắn WhatsApp Business. Báo cáo của 9to5Mac.com cho thấy, ngay cả tai nghe thực tế ảo Meta Quest cũng “đuổi” người dùng. Điều bất thường là các vụ việc này lại trùng hợp với các sự cố đăng nhập trên nền tảng của Google khi trình quản lý quảng cáo của “ông lớn” này báo cáo sự gián đoạn trong khoảng thời gian tương tự trong khi một số người dùng YouTube cũng than vãn.
Daily Mail dẫn lời ông Dan Ives, Giám đốc điều hành hãng tài chính Wedbush Securities (New York), cho biết sự cố gián đoạn khiến Meta thiệt hại gần 100 triệu USD doanh thu vốn đa phần đến từ quảng cáo trên các mạng xã hội. Thiệt hại này có thể không đáng kể đối với Meta so với tổng giá trị doanh nghiệp khoảng 134 tỷ USD (năm 2023), nhưng đối với những người khác là một số tiền khủng bởi gần 40% dân số toàn cầu có tổng tài sản 100 triệu USD. Trong khi đó, khối lượng lớn khách hàng doanh nghiệp của họ cũng chịu ảnh hưởng phần nào từ sự cố này. Đây được xem như lời cảnh tỉnh mới nhất về việc các doanh nghiệp cần phải thích nghi với các nền tảng số luôn chuyển động và không nên quá phụ thuộc vào một nền tảng nào đó như Facebook để chủ động kiểm soát rủi ro.
Những giả thuyết ban đầu
Ngay sau vụ việc, Meta đã khắc phục vấn đề nhanh nhất có thể và không quên gửi lời xin lỗi khách hàng bị ảnh hưởng vì sự bất tiện này. Dù Meta đổ lỗi “sự cố kỹ thuật không xác định” gây ra tình trạng gián đoạn của các nền tảng nhưng dường như điều này vẫn chưa thuyết phục dư luận khi họ vẫn đặt ra nhiều giả thuyết.
Daily Mail dẫn nguồn tin cho rằng vấn đề này xuất phát từ các thiết bị nội bộ. Theo đó, các nền tảng lớn như Facebook và Instagram quản lý một lượng lớn lưu lượng truy cập và dữ liệu mỗi giờ trong ngày. Điều này có nghĩa là một trục trặc nhỏ, hoặc lỗi phòng máy chủ có thể dễ dàng dẫn đến tình trạng gián đoạn hoạt động. The Hill dẫn lời Matthew Green, chuyên gia mã hóa Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết sự cố dường như vượt ra ngoài “ngôi nhà chung” Meta. Theo ông, điều này có thể chỉ ra một nguyên nhân chung, chẳng hạn như sự cố ở một nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn.
Trong khi đó, công chúng nhận định đây không khác nào “cuộc tấn công mạng trên diện rộng” vì nó xảy ra đúng vào ngày “siêu thứ Ba” khi hàng triệu người Mỹ bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống Mỹ 2024. Đến nay, Cơ quan an ninh cơ sở hạ tầng và an ninh mạng Mỹ vẫn chưa phát hiện bất kỳ mối liên hệ với bầu cử hoặc bất kỳ tín hiệu mạng độc hại gây ra sự cố.
Điểm đáng chú ý nữa là vụ việc này xảy ra ngay trước thời hạn Liên minh châu Âu yêu cầu các Big Tech tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số mới của khối này (ngày 7-3). Do đó, có ý kiến cho rằng, “vụ tấn công mạng” nhằm quấy nhiễu Meta trong quá trình thực hiện các thay đổi để thích ứng với đạo luật khi hoạt động ở “lục địa già”. Một trong những mục tiêu chính của đạo luật là ngăn chặn các công ty lớn “nuốt chửng” đối thủ nhỏ hơn thông qua tiếp quản, giống như việc Facebook mua lại Instagram và WhatsApp hay việc Google mua YouTube và Waze.
THƯ LÊ