Georgia trước khủng hoảng chính trị

.

Khoảng 50.000 người phản đối dự luật “tác nhân nước ngoài” biểu tình ôn hòa dưới mưa lớn ở thủ đô Tbilisi của Georgia vào ngày 11-5, sau khi Mỹ cho rằng giới chức nước này phải lựa chọn giữa việc thông qua dự luật gây tranh cãi và “khát vọng châu Âu-Đại Tây Dương” của người dân.

Theo CNN, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan viết trên mạng xã hội X: “Các nghị sĩ Georgia phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng - liệu có nên ủng hộ nguyện vọng châu Âu-Đại Tây Dương của người dân Georgia hay là thông qua luật tác nhân nước ngoài đi ngược lại các giá trị dân chủ”. Ông khẳng định, Mỹ sẽ luôn sát cánh cùng người dân Georgia.

Dự luật nói trên yêu cầu các tổ chức nhận được hơn 20% nguồn tài trợ tài chính từ “thế lực nước ngoài” phải đăng ký với Bộ Tư pháp là “tác nhân chịu ảnh hưởng của nước ngoài”. Những người biểu tình đã xuống đường yêu cầu rút lại dự luật, cho rằng dự luật nếu được ban hành sẽ gây trở ngại nghiêm trọng cho việc hội nhập và ngăn cản Georgia gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Các cuộc biểu tình rầm rộ khiến phần lớn trung tâm Tbilisi phải đóng cửa gần như hàng đêm trong suốt một tháng qua. Tình hình bắt đầu đáng lo từ ngày 17-4 sau khi dự luật được thông qua ngay trong lần đọc đầu. Việc dự thảo luật được thông qua trong lần đọc thứ hai vào ngày 1-5 dẫn đến đấu trường khốc liệt giữa chính quyền và phe đối lập. Đứng về phía người biểu tình là phe đối lập, EU, Mỹ và Tổng thống Georgia Salome Zurabishvili. Trong khi đó, dự luật được sự ủng hộ của Thủ tướng Irakli Kobakhidze, Quốc hội và đảng Giấc mơ Georgia  cầm quyền. Biểu tình từng biến thành bạo động khi những người phản kháng tấn công tòa nhà Quốc hội.

Cũng theo CNN, cuộc biểu tình ngày 11-5 diễn ra trong bối cảnh quốc hội nước này, do đảng Giấc mơ Georgia cùng các đồng minh của đảng này kiểm soát, chuẩn bị các phiên điều trần thông qua lần đọc thứ ba và cuối cùng dự luật này vào ngày 13-5. Đám đông vẫy cờ Georgia, EU và cờ Ukraine. “Chính phủ nên lắng nghe những người dân tự do của Georgia. Chúng tôi muốn gia nhập EU”, một người biểu tình cho biết khi dẫn đầu nhóm biểu tình tiến vào trung tâm, chặn nhiều con đường trong thành phố.

Chính phủ Georgia nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 2022. Tháng 12-2023, EU cấp tư cách ứng cử viên cho Georgia nhưng yêu cầu Tbilisi cải cách hệ thống tư pháp và bầu cử, giảm phân cực chính trị, cải thiện tự do báo chí và hạn chế ảnh hưởng của giới tài phiệt trước khi hai bên bắt đầu đàm phán về gia nhập liên minh. EU cho rằng, dự luật “tác nhân nước ngoài” sẽ gây trở ngại nghiêm trọng cho việc hội nhập của Georgia nếu được thông qua. Theo CNN, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Sullivan cho rằng, đảng Giấc mơ Georgia dường như đang cố tình đoạn tuyệt với phương Tây, ngay cả khi cả đảng cầm quyền và dư luận Georgia ủng hộ việc nước này gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu. “Những thay đổi lập pháp được đề xuất và các hành động đi ngược lại nguyện vọng của người dân Georgia và nhằm mục đích cô lập người Georgia khỏi Mỹ và châu Âu”, ông Sullivan viết trên X.

Những tuyên bố này vấp phải sự chỉ trích từ Chính phủ Georgia, cho rằng Mỹ và phương Tây đang can thiệp vào tình hình nội bộ và quyền tự quyết của một quốc gia. Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze bác bỏ những tuyên bố sai sự thật của phương Tây, cáo buộc họ đang khuyến khích bạo lực tại Tbilisi. Trong khi đó, đảng Giấc mơ Georgia cho biết, dự luật sẽ thúc đẩy tính minh bạch và chủ quyền quốc gia của Georgia. Chính trị gia Bidzina Ivanishvili, người sáng lập đảng Giấc mơ Georgia cho rằng, luật “tác nhân nước ngoài” là cần thiết để ngăn chặn phương Tây cố gắng sử dụng người Georgia làm “bia đỡ đạn” trong cuộc đối đầu với Nga. Dự luật được ban hành sẽ thúc đẩy tính minh bạch và chủ quyền quốc gia của Georgia.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.