Quốc tế
Trung Quốc giữ vững vị thế "công xưởng thế giới"
Khi thế giới tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy phát triển công nghệ và chuyển đổi số, Trung Quốc đang nổi lên như một trong những quốc gia dẫn đầu. Trong cuộc trao đổi gần đây với South China Morning Post, nhà kinh tế học người Mỹ từng đoạt giải Nobel 2001 Michael Spence nhấn mạnh vai trò then chốt của Trung Quốc trong định hình tương lai công nghệ toàn cầu.
Một nhà máy thép ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Ảnh: Reuters |
Vị thế không dễ lay chuyển
Một trong những khẳng định thuyết phục và đáng chú ý nhất của ông Spence là việc cho rằng hiện tại không có nước nào có thể thay thế Trung Quốc trong vai trò “công xưởng của thế giới”.
Dù khả năng sản xuất có thể trở nên phân tán hơn theo thời gian - một phần do sự tăng trưởng của chính Trung Quốc và sự trỗi dậy của các nền kinh tế khác như Ấn Độ - nhưng sự thay đổi này sẽ không xảy ra nhanh chóng hoặc rộng rãi. Chi phí cao liên quan đến việc di dời hoạt động sản xuất khiến nhiều quốc gia không thể từ bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế hiện là giáo sư quản lý tại Trường kinh doanh của Đại học Stanford (Anh) này chỉ ra sự dẫn đầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng mặt trời, xe điện và công nghệ pin. Ông dự đoán xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tăng đột biến trong các lĩnh vực này.
Những hiểu biết sâu sắc của Spence về vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng phần nào cho thấy rõ hơn sự phức tạp của bối cảnh kinh tế hiện nay. Trong khi cạnh tranh Mỹ-Trung đặt ra thách thức đáng kể, vị thế độc tôn của Trung Quốc với tư cách là “công xưởng của thế giới” phần lớn vẫn không bị thách thức trong tương lai gần.
Dù phải đối mặt với nhiều rào cản từ Mỹ, gồm các biện pháp trừng phạt và hạn chế, Trung Quốc vẫn cho thấy sự kiên định trong việc theo đuổi mục tiêu. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nước này chứng tỏ năng lực và khẳng định vị thế trong tương lai.
Global Times cũng nhận định, bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm di dời các chuỗi công nghiệp sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ và một số quốc gia châu Á khác thông qua sự ép buộc và dụ dỗ, những thách thức trong thực hiện đã cho thấy quá trình này phức tạp và khó khăn hơn dự kiến.
So với Trung Quốc, vấn đề lớn nhất đối với các quốc gia được Mỹ và châu Âu coi là nơi thay thế sản xuất của Trung Quốc là sự ổn định xã hội. Trung Quốc trở thành “công xưởng thế giới” nhờ các chính sách quốc gia và trình độ lao động. Hơn nữa, môi trường làm việc và xã hội ổn định của nước này không thể thay thế được.
Tầm nhìn tương lai
Khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phát triển, quan điểm của Spence đưa ra có giá trị để hiểu được những động lực phức tạp đang diễn ra và những lộ trình tiềm năng cho tương lai kinh tế của Trung Quốc. Nhìn về phía trước, Spence hình dung sự phục hồi dần dần của nền kinh tế Trung Quốc, dự đoán tốc độ tăng trưởng vào khoảng 5-6% trong những năm tới; nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng hóa động lực tăng trưởng ngoài thị trường bất động sản, vốn là yếu tố làm suy giảm đáng kể hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh lợi thế, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thúc đẩy phát triển công nghệ. Một trong những thách thức lớn nhất là khả năng cạnh tranh với các đối thủ lớn, đặc biệt là các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ. Ngoài ra, các vấn đề liên quan quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật thông tin và sự ổn định của thị trường cũng là những yếu tố mà Trung Quốc cần chú trọng.
Tuy nhiên, theo Spence, nếu Trung Quốc có thể vượt qua những thách thức này, họ sẽ có cơ hội trở thành một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới. Sự phát triển của các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, Tencent và Alibaba đã cho thấy tiềm năng to lớn của nước này trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ. Với tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư mạnh mẽ vào R&D, Trung Quốc có khả năng đạt được những bước tiến lớn trong các lĩnh vực như AI, tự động hóa và công nghệ sinh học. Những thành tựu này không chỉ giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống người dân mà còn góp phần vào sự phát triển chung của thế giới.
Thách thức hàng giá rẻ “made-in-China” Theo Nikkei, Đông Nam Á đang đối mặt với “bão” hàng giá rẻ tràn sang từ Trung Quốc, đặc biệt là qua các nền tảng thương mại điện tử như TikTok Shop. Các quốc gia trong khu vực, như Indonesia, Malaysia và Thái Lan, đã áp dụng hoặc dự định áp dụng các biện pháp thuế cao hơn để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Chẳng hạn, Indonesia đang xem xét tăng thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với vải, trong khi Malaysia và Thái Lan mở rộng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa nhập khẩu qua mạng. Dù vậy, các nước Đông Nam Á cũng đang phải cân nhắc giữa việc bảo vệ ngành công nghiệp trong nước và việc thu hút đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao như xe điện. |
TRẦN ĐẮC LUÂN