Quốc tế

Nhật Bản và kinh nghiệm khắc phục khan hiếm hàng hóa

07:22, 16/09/2024 (GMT+7)

Nhật Bản là quốc gia chịu nhiều thiên tai, thảm họa khó lường. Vì vậy nước này đi trước các nước khác về công tác chuẩn bị để phòng ngừa thảm họa thiên tai một cách bài bản và hiệu quả, trong đó có việc ngăn chặn tình trạng đổ xô mua hàng tích trữ gây khan hiếm thị trường trong thảm họa.

Tích trữ thường xuyên và đúng định lượng được xem là nguyên tắc chính giúp ngăn chặn tình trạng đổ xô mua hàng tích trữ gây khan hiếm thị trường trong thảm họa. Tại Nhật Bản, chính phủ cũng như chính quyền  địa phương từ cấp quận trở lên đều công bố trên website hướng dẫn chi tiết về các mặt hàng cần được tích trữ để đề phòng trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên tai. Sau khi lần đầu tiên cảnh báo nguy cơ cao xảy ra “siêu động đất” vào tháng 8-2024, giới chức Nhật Bản ngay lập tức kêu gọi người dân tránh mua hàng trong trạng thái hoảng loạn.

Trang Japan Living Guide của Nhật Bản cung cấp nguồn thông tin bổ ích, thiết thực về mẹo tích trữ thực phẩm, bao gồm những gì cần tích trữ, số lượng cần thiết và cách thực hiện. Trước hết, cần tích trữ những gì? Danh sách khuyến nghị trên trang web của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF), chỉ ra những các loại thực phẩm ăn liền, thực phẩm khô có thời hạn sử dụng lâu như mỳ ăn liền, thực phẩm sấy khô, thực phẩm đóng hộp hoặc đồ ăn nhẹ; các loại thanh năng lượng hay thanh thực phẩm. Ngoài ra, hướng dẫn cũng liệt kê các mặt hàng cần thiết cho việc vệ sinh cá nhân trong trường hợp đang mắc kẹt trong thảm họa như túi nilon các kích cỡ và bồn vệ sinh di động.

Điều tiếp theo cần lưu ý là số lượng tích trữ. Thực tế, trong hầu hết các thảm họa trước đây, phải mất hơn một tuần kể từ thời điểm xảy ra thảm họa để khôi phục lại “các đường dây cứu sinh” gồm điện, khí đốt và nước. Do đó, điều quan trọng là phải tích trữ thực phẩm cho ít nhất 3 ngày tại nhà và tốt nhất là đủ cho một tuần. Trong trường hợp xảy ra thảm họa, chính phủ khuyến nghị mọi người nên có ý thức tiết kiệm nước và sử dụng ít nhất có thể. Đối với các hộ gia đình, hướng dẫn ghi rõ định lượng tích trữ của từng loại hàng. Japan Living Guide đã đưa ra định lượng tích trữ cho 2 người lớn trong một tuần để làm căn cứ. Với ước tính mỗi người tiêu thụ 3 lít nước/ngày, định lượng cần thiết là 4 thùng nước đóng chai loại 6 chai 2 lít/thùng. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp, các tụ điểm công cộng, các địa điểm có thể trở thành cơ sở lánh nạn, chính phủ quy định rõ ràng về số lượng nhu yếu phẩm được tích trữ thường xuyên.

Bên cạnh sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, doanh nghiệp Nhật Bản cũng luôn có giải pháp bảo đảm nguồn hàng hóa tích trữ đề phòng thảm họa, đặc biệt là đề phòng động đất, loại hình thiên tai xảy ra bất ngờ, khó dự đoán trước và thường gây hậu quả nặng nề về gián đoạn nguồn cung. Điều tiết cung cầu trên thị trường kịp thời cũng là một biện pháp quan trọng khác để khắc phục tình trạng khan hiếm hàng. Trong một số trường hợp nhăm ngăn chặn tình trạng tích trữ quá mức, các cửa hàng và siêu thị chủ động áp dụng quy định hạn chế số lượng hàng hóa đối với mỗi khách hàng cụ thể.

Đầu tháng 8-2024, khi chính phủ Nhật Bản ban hành cảnh báo nguy cơ siêu động đất, một số siêu thị như Life đã ngay lập tức đưa ra quy định mỗi khách hàng chỉ được mua một túi gạo 5kg. Trong trường hợp khẩn cấp, chính phủ Nhật Bản sẽ tính đến việc mở kho dự trữ để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Cuộc khảo sát của Nippon cho thấy, nhiều người Nhật Bản cho biết họ luôn luôn ở trong trạng thái chuẩn bị cho mọi thảm họa trong cuộc sống hằng ngày của mình. Đa phần số người được hỏi cho biết họ có kế hoạch tích trữ thực phẩm và nước thường xuyên, và kế đến là chuẩn bị bộ dụng cụ sinh tồn khẩn cấp hay còn gọi là “túi đồ trong thảm họa” (Emergency Bag) được đóng gói mọi thứ cần thiết trong trường hợp xảy ra thảm họa, bao gồm mũ bảo hiểm, còi, radio bỏ túi, đồ sơ cứu cơ bản, đồ dùng vệ sinh, chăn giữ nhiệt bằng alumin, pin dự phòng, dây nối dài, nước đóng chai, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu khác.

Nhìn chung, việc người dân Nhật Bản tuân thủ theo các chỉ dẫn, khuyến nghị về cách thức và số lượng cần tích trữ, cùng với sự phối hợp đồng bộ từ chính phủ đến doanh nghiệp trong điều tiết cung cầu chính đã góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm hàng trong thiên tai, thảm họa ở nước này.

TẤN PHÁT

.