Quốc tế
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Cạnh tranh sít sao chưa từng có
Ngay trước ngày bầu cử chính thức 5-11, thăm dò dư luận trước giờ “G” cho thấy cách biệt rất sít sao giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump, khiến cuộc đua năm nay có thể kịch tính đến phút cuối.
Phó Tổng thống Kamala Harris (bên phải) và cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp ở Philadelphia (Mỹ) vào tháng 9-2024. Ảnh: Xinhua |
Do các bang khác đều có truyền thống nghiêng hẳn về đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa trong nhiều năm qua nên kết quả cuộc đua lần này phụ thuộc vào 7 bang chiến trường: Pennsylvania (19 phiếu đại cử tri), Bắc Carolina (16), Georgia (16), Michigan (15), Arizona (11), Wisconsin (10) và Nevada (6), với tổng cộng 93 phiếu đại cử tri. Theo luật, một ứng cử viên cần giành ít nhất 270 trong số 538 phiếu đại cử tri để đắc cử tổng thống. Ngày 2-11, bà Harris và ông Trump vẫn nỗ lực thuyết phục những cử tri còn do dự tại những bang trọng điểm này.
Cơ hội chia đều cho cả hai ứng viên là nhận định chung của đa phần giới quan sát và truyền thông bởi tính đến thời điểm này, không ứng cử viên nào có cách biệt lớn hơn 2% ở bất kỳ bang nào trong các bang dao động. Thậm chí, tại 3 trong số 7 bang đó, được gọi là “Bức tường Xanh” gồm Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, cách biệt giữa hai ứng cử viên chỉ dưới 1%. Dư luận cho rằng đang xuất hiện những sự dịch chuyển trong tâm lý của các nhóm cử tri. Một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông Trump có thể đã dẫn trước. Trong khi đó, cuộc thăm dò độc quyền của USA TODAY/Suffolk công bố ngày 1-11 cho thấy bà Harris và ông Trump ngang nhau ở Pennsylvania, tiểu bang dao động có nhiều phiếu đại cử tri nhất.
Điều đáng nói là một số kết quả thăm dò chỉ ra bà Harris dẫn trước, số khác cho rằng người thắng thế lại là ông Trump. Đơn cử, The Washington Post dẫn thăm dò do tờ Des Moines Register kết hợp Công ty Mediacom công bố ngày 2-11 cho biết, bà Harris có thể lật ngược thế cờ khi thắng với tỷ lệ 47% và 44% ở bang Iowa, nơi ông Trump thắng lần lượt vào các năm 2016 và 2020. Tuy vậy, cuộc khảo sát của Emerson College Polling/RealClearDefense đối với số cử tri tương tự vào ngày 1 và 2-11 tại bang này lại có kết quả hoàn toàn trái ngược. Việc các cuộc thăm dò trước bầu cử cho ra những kết quả trái ngược nhau là điều không hiếm ở Mỹ.
Lịch sử chính trường Mỹ từng chứng kiến không ít màn “đổi màu” bản đồ bầu cử vào phút chót. Nhìn lại cuộc bầu cử năm 2016, khi đó đa số khảo sát cho rằng bà Hillary Clinton sẽ thắng nhưng người chiến thắng lại là ông Trump. Theo giới quan sát, các tổ chức khảo sát lúc đó đã đánh giá thấp sự ủng hộ dành cho ông Trump tại các bang chiến địa trong khi số liệu thăm dò ở quy mô toàn quốc khá tương đồng với số phiếu phổ thông, chỉ số mà bà Clinton xếp trên. Do đó, với cuộc bầu cử sít sao như năm 2024, thăm dò dư luận càng gặp khó. Nhận định về thực tế này, The Atlantic dẫn lời ông Brian Klaas, Phó Giáo sư chính trị toàn cầu tại Trường University College London (UCL), cho rằng: “Sự thật là thăm dò dư luận và các mô hình chủ yếu dựa vào kết quả thăm dò để dự báo kết quả hoàn toàn không thể tự tin dự đoán những gì xảy ra vào ngày 5-11”.
Đến nay, theo CNN, hơn 71,5 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm. Trong bầu cử tổng thống Mỹ, số phiếu phổ thông không quyết định người chiến thắng. Thay vào đó, phiếu đại cử tri trực tiếp bầu ra tổng thống. Đại cử tri là các cá nhân được lựa chọn để đại diện cho từng bang bỏ phiếu bầu tổng thống. Mỗi bang được phân chia số lượng đại cử tri dựa trên số lượng nghị sĩ của bang này trong quốc hội liên bang.
Trong tình hình hiện nay, các ứng cử viên sẽ thận trọng hơn trong việc đưa ra tuyên bố chiến thắng sớm sau ngày bầu cử 5-11. Thêm vào đó, từ năm 2000, hình thức bỏ phiếu qua thư ngày càng được ưa chuộng, khiến thời gian kiểm đếm phiếu bầu kéo dài, thậm chí là trong nhiều ngày, nhiều tuần. Điều đó càng khiến dư luận khó đưa ra dự đoán chính xác về người chiến thắng ngay sau đêm bầu cử chính thức.
Theo cuộc thăm dò, những cử tri tiềm năng cho biết họ tin tưởng ông Trump hơn bà Harris trong việc xử lý nền kinh tế, nhập cư và chính sách đối ngoại. Mặt khác, những cử tri tiềm năng thường ủng hộ cách tiếp cận của bà Harris về phá thai và quyền sinh sản, thống nhất và bảo vệ nền dân chủ. Bà Harris đang ghi điểm trong giới cử tri nữ, đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc độc lập về chính trị.
Cuộc bầu cử năm nay thu hút sự chú ý với nhiều “cái nhất” trong lịch sử bầu cử Mỹ: khó đoán định nhất, tốn kém nhất với sự tham gia góp tiếng nói và tiền từ các tỷ phú. Kết quả ai sẽ trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ có thể chỉ ngã ngũ cho đến khi kiểm tờ phiếu cuối cùng.
Những mốc thời gian chính Kết quả bầu cử sẽ được xác định không lâu sau ngày bỏ phiếu 5-11. Tuy nhiên, nếu có tranh cãi, sẽ phải đợi đến ngày kiểm phiếu đại cử tri (6-1-2025) mới biết chính xác ai đắc cử. Ngày 5-11: Ngày bầu cử chính thức. Ngày 3-12: Bầu cử vòng hai tại bang Georgia (nếu không có ứng viên nào giành đa số phiếu trong ngày bầu cử). Ngày 7-12: Bầu cử vòng hai tại bang Louisiana (nếu không có ứng viên nào nhận hơn 50% số phiếu bầu). Ngày 17-12: Các đại cử tri họp tại các tiểu bang tương ứng để bầu tổng thống và phó tổng thống. Ngày 6-1-2025: Phó tổng thống chủ trì việc kiểm phiếu của đại cử tri đoàn tại phiên họp chung của Quốc hội, công bố kết quả và tuyên bố người trúng cử. Ngày 20-1-2025: Lễ nhậm chức của tân tổng thống và tân phó tổng thống. |
THƯ LÊ