Quốc tế

Bức vẽ triệu đô của robot

07:34, 09/11/2024 (GMT+7)

Bức chân dung nhà toán học người Anh Alan Turing trở thành tác phẩm nghệ thuật đầu tiên do robot sáng tác được bán đấu giá ở mức 1,32 triệu USD ngày 7-11. Con số kỷ lục đánh dấu cột mốc trong lịch sử nghệ thuật hiện đại và đương đại, phản ánh sự giao thoa sâu sắc giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và nghệ thuật.

Robot Ai-Da và bức tranh do mình tạo ra. Ảnh: ai-darobot.com
Robot Ai-Da và bức tranh do mình tạo ra. Ảnh: ai-darobot.com

Theo CNN, bức chân dung cao 2,2m có tên “Vị thần AI” do Ai-Da, họa sĩ robot siêu thực đầu tiên trên thế giới sáng tác. Điều khiến tác phẩm này khác biệt so với các tác phẩm khác do AI tạo ra nằm ở chỗ đây là lần đầu tiên một tác phẩm do một robot được đưa ra đấu giá; đồng thời giá trị của nó vượt xa mức định giá ban đầu 180.000 USD tại phiên đấu giá trước đó của nhà đấu giá Sotheby’s ở London (Anh).

Điểm độc đáo của bức tranh này nằm ở thông điệp: cần kiểm soát AI vì lợi ích của nhân loại bởi con người vẫn thực sự chưa biết giới hạn sức mạnh của AI sẽ đưa chúng ta đến đâu, cũng như cuộc chạy đua toàn cầu ngày càng tăng nhiệt nhằm khai thác nó. Robot chọn “vẽ” Alan Turing, nhà giải mã mật mã của Thế chiến 2, người được nhớ đến như một người tiên phong trong lĩnh vực AI và khoa học máy tính, bởi lẽ ông bày tỏ lo ngại về việc sử dụng AI từ thập niên 1950. Bức tranh, với những tông màu trầm và các mảng khuôn mặt vỡ vụn, cùng nền là những hình bóng mờ ảo của cỗ máy Bombe, như lời gợi nhắc thâm thúy về những thách thức trong quản lý AI mà Turing từng phát hiện và cảnh báo cách đây hàng chục năm.

Có thể thấy, tác phẩm nghệ thuật kỳ ảo này sử dụng tài tình phương pháp tiếp cận bị chia cắt và nhiều lớp, qua đó cho thấy những lớp cảm xúc đan xen và trí tuệ sâu sắc hơn của chính nhà khoa học tài năng Turing. “Họa sĩ” Ai-Da, sử dụng AI để giao tiếp, nói trong một video do nhà đấu giá cung cấp gần đây rằng, thông qua tác phẩm nghệ thuật về Turing, “cô” muốn tưởng nhớ những thành tựu và đóng góp của ông cho sự phát triển của điện toán và AI; đồng thời bức vẽ cũng phù hợp với tinh thần của Liên Hợp Quốc (LHQ) rằng AI phải được sử dụng một cách có trách nhiệm. Đây cũng là lý do bức chân dung này đã được trưng bày vào đầu năm 2024 tại Geneva ở hội nghị thượng đỉnh toàn cầu của LHQ về AI.

Ai-Da nhấn mạnh giá trị cốt lõi trong tác phẩm nằm ở khả năng thúc đẩy đối thoại về các công nghệ mới nổi, khiến người xem suy ngẫm về bản chất thần thánh của AI và điện toán, đồng thời cân nhắc những hệ lụy đạo đức và xã hội từ những tiến bộ này.

Theo Reuters, Ai-Da là một trong những robot tiên tiến nhất thế giới, được thiết kế giống khuôn mặt phụ nữ, có đôi mắt to và mái tóc giả màu nâu. Ai-Da được đặt tên theo Ada Lovelace - nữ lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới. Ai-Da là sáng tạo của Aidan Meller, một chuyên gia về nghệ thuật hiện đại và đương đại. Robot này hoạt động nhờ thuật toán AI, kết hợp với camera trong mắt và bàn tay sinh học để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Ai-Da hình thành ý tưởng thông qua các cuộc trò chuyện với các thành viên làm việc cùng và đã đề xuất tạo ra hình ảnh của Turing trong một cuộc thảo luận về “AI vì điều tốt đẹp”.

Robot này sau đó được hỏi về phong cách, màu sắc, nội dung, tông màu và kết cấu cần sử dụng, rồi dùng camera trong mắt để nhìn ảnh Turing và tạo nên bức họa. Kẹp chặt bút lông, cánh tay của Ai-Da di chuyển chậm rãi nhưng chính xác, lần lượt nhúng vào bảng màu rồi phác họa nét vẽ lên giấy.

Trong căn phòng nhỏ tại London, Ai-Da dán đôi mắt của mình vào từng nét vẽ, với sự chăm chú không khác người bình thường. Khác với những robot dựa vào các bức tranh có sẵn, Ai-Da tự lựa chọn và ra quyết định cho từng nét vẽ để cho ra tác phẩm. Robot này dành trung bình 5 tiếng cho mỗi bức tranh, không bức nào giống nhau.

Trước bức vẽ kỳ tích này, Ai-Da đã vẽ chân dung những nghệ sĩ biểu diễn chính tại Lễ hội Glastonbury: Billie Eilish, Diana Ross, Kendrick Lamar và Sir Paul McCartney vào năm 2022. Trong cuộc trao đổi gần đây với CBS MoneyWatch, Aidan Meller, trưởng nhóm tạo ra Ai-Da cùng với các chuyên gia AI từ các trường Đại học Oxford và Birmingham ở Anh cho biết, ông sẽ dành tiền để tái đầu tư dự án Ai-Da. Có thể thấy những cỗ máy phi thường như Ai-Da thay đổi cách hình dung của con người về những gì robot có thể làm. Giờ đây, chúng ta không còn câu hỏi “robot có thể tạo ra nghệ thuật không?”, mà phải là “robot có thể sáng tạo nghệ thuật”. Điều quan trọng là chúng ta có thực sự muốn chúng làm vậy không và cần phải kiểm soát chúng một cách hiệu quả trong bối cảnh giới họa sĩ lo mất việc trong thời đại của công nghệ.

THƯ LÊ

.