Quan sát & Bình luận

Chuyện xây giáo đường và đốt kinh Koran

07:55, 09/09/2010 (GMT+7)

Càng gần đến ngày 11-9, ngày cách đây 9 năm xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng do mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda thực hiện, nước Mỹ lại diễn ra những vấn đề nhạy cảm gây tranh cãi.

Hồi tháng trước, dư luận nước này có những ý kiến trái ngược nhau xung quanh việc Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc đầu đồng tình nhưng sau đó chỉ một ngày lại phủ nhận việc xây dựng giáo đường Hồi giáo gần khu vực số không (Ground Zero) ở New York, nơi xảy ra cuộc tấn công khủng bố 11-9-2001 giết chết trên 3.000 người vì nhận được quá nhiều lời công kích của cử tri. Quyết định của Thị trưởng New York, Michael Bloomberg, cho xây giáo đường Hồi giáo gần Ground Zero được một số báo chí và giới trí thức ủng hộ như  một cố gắng để đoàn kết tôn giáo và chứng tỏ giá trị Mỹ là của chung. Nhưng ngược lại phe Cộng hòa, gồm cả bà Sarah Palin, cựu ứng viên Phó Tổng thống Mỹ đang có uy thế trở lại, thì coi việc xây một giáo đường đạo Hồi gần điểm tưởng niệm là hành động sỉ nhục và không thể chấp nhận được.

Chưa hết, mới đây, mục sư Terry Jones từ một giáo hội Phúc âm ở Florida dọa sẽ đốt kinh Koran của người Hồi giáo để “cho thấy bản chất của Hồi giáo”. Mục sư Terry Jones cho hay hành động đó như là một “Thông điệp cho những kẻ không từ việc đe dọa Tổng thống, không từ việc đánh bom các tòa nhà, tấn công vào các sứ quán”. Đồng thời mục sư Terry Jones cho rằng hiện không còn là lúc đối thoại mà “chúng ta sẽ đứng lên và chiến đấu”.

Phản ứng ngay lập tức về lời đe dọa nói trên của mục sư Terry Jones, tại Kabul, thủ đô Afghanistan, đã có hàng trăm người biểu tình chống ông ta và hô vang khẩu hiệu “Đả đảo nước Mỹ”. Chính quyền Mỹ ngày 7-9 đã gia tăng sức ép đối với mục sư Terry Jones sau khi ông này lên kế hoạch sẽ đốt nhiều cuốn kinh Koran linh thiêng của người Hồi giáo trong ngày 11-9, ngày tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố tại Mỹ năm 2001. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley nói rằng, Washington hy vọng người Mỹ sẽ lên án kế hoạch của mục sư Terry Jones. Ông Crowley nói: “Chúng tôi cho rằng đó là những hành động khiêu khích. Chúng tôi muốn thấy người dân đứng lên và nói rằng việc làm này đi ngược lại với những giá trị Mỹ. Trên thực tế, những hành động đó là phi văn hóa Mỹ”. Chiều cùng ngày, Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng lên án kế hoạch này khi bà tham dự một bữa ăn tại Bộ Ngoại giao để kỷ niệm tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo.

Còn tướng David Petraeus, Tư lệnh lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan cho rằng, dự định của mục sư T.Jones về việc đốt kinh Koran của người Hồi giáo vào ngày 11-9 tới đây có thể gây nguy hiểm cho các binh sĩ Mỹ, và phá vỡ các nỗ lực chung trong cuộc chiến tại Afghanistan. Tướng David Petraeus khuyến cáo rằng kế hoạch đốt thánh kinh của đạo Hồi chính là hành động mà phe Taliban sẽ khai thác cho các mục đích tuyên truyền và sẽ thổi bùng tinh thần bài Mỹ không chỉ tại Afghanistan mà trên khắp thế giới Hồi giáo.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs cũng bày tỏ sự đồng tình với lo ngại của Tướng Petraeus khi cho rằng chính quyền thừa nhận bất cứ hành động nào giống như vậy có thể sẽ gây nguy hiểm cho binh sĩ Mỹ ở nước ngoài, cũng như các nhà ngoại giao và du khách nước này. Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo Mỹ từ các tổ chức Phúc âm, Công giáo, Do Thái và Hồi giáo đã gặp nhau ngày 7-9 tại  Washington và lên án kế hoạch của mục sư Jones. Tuy nhiên, mục sư Terry Jones vẫn khẳng định rằng Hiến pháp Mỹ cho phép ông ta làm việc này. Báo chí Mỹ dẫn lời ông này cho biết ông đã nhận được hơn 100 lời dọa giết và luôn phải mang theo vũ khí bên người. Vị mục sư 58 tuổi cho biết, ông nhận được những lời đe dọa không lâu sau khi ông tuyên bố sẽ phát động một “ngày quốc tế đốt kinh Koran” và một số người ủng hộ đã gửi cho ông ta những cuốn kinh Koran để đốt.

Trong khi đó, báo New York Times số ra ngày 7-9 có bài nói rằng, nhiều công dân Hoa Kỳ theo đạo Hồi cảm thấy không khí căng thẳng trước ngày kỷ niệm 11-9. Tờ New York Times trích lời một số trí thức Hồi giáo ở Mỹ nói họ cảm thấy cuộc sống bất an. Thái độ chống lại cộng đồng Hồi giáo khiến họ không cảm thấy được chấp nhận hoàn toàn là công dân Mỹ.

Rõ ràng, những diễn biến nói trên cho thấy sự kỳ thị, phân hóa trong xã hội Mỹ đối với những người theo đạo Hồi là rất căng thẳng và sâu sắc đến nhường nào. Những người kỳ thị, kể cả các thành viên của Đảng Cộng hòa, là nhằm vào người Hồi giáo nói chung chứ không phải chỉ một bộ phận nhỏ những phần tử Hồi giáo cực đoan. Bởi trong số hàng ngàn người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11-9-2001 đã có không ít người Hồi giáo, thì việc xây thánh đường để tưởng niệm họ phải được xem là việc bình thường, như nước Mỹ vốn tự hào là quốc gia “tự do” nhất thế giới?!

Vậy mà việc làm đó đã bị chống đối một cách quyết liệt. Hơn thế, việc toan tính cho hành động đốt kinh Koran của đạo Hồi nhân sự kiện 11-9, để bày tỏ thái độ chống đối, là xúc phạm  nghiêm trọng tới đức tin và  tình cảm thiêng liêng của cộng đồng thế giới Hồi giáo. Việc làm đó nếu không được ngăn chặn, thì như Tướng David Petraeus, Tư lệnh lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan cảnh báo tất sẽ gây ra làn sóng chống Mỹ, bài Mỹ không chỉ ở nước này mà có nguy cơ lan rộng ra trên phạm vi toàn thế giới.

Những diễn biến nói trên  cũng cho thấy mục tiêu khi vận động tranh cử và trong diễn văn nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama cách đây hơn một năm là quyết tâm cải thiện hình ảnh nước Mỹ trong cộng đồng quốc tế vốn bị sứt mẻ quá nhiều do người tiền nhiệm  G.W.Bush để lại không có kết quả như mong muốn. Mặt khác, trong thông điệp mang tính hòa giải với cộng đồng Hồi giáo mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra tại Ai Cập trong chuyến thăm Trung Đông trước đây, đã không có câu trả lời thực tế hữu hiệu ngay tại nước Mỹ, mà qua chuyện xây giáo đường Hồi giáo và kế hoạch đốt kinh Koran sắp tới, xem ra mục tiêu đó chỉ mang tính tượng trưng nửa vời, thậm chí còn phản tác dụng trên nhiều phương diện.

NGUYÊN CHÂU

.