Quốc tế

Thế giới tuần qua:

Không đủ thiện chí

09:48, 06/09/2010 (GMT+7)

“Không ai dám mơ Obama có thể sinh ra được một Nhà nước Palestine từ trên thảm cỏ của Nhà Trắng”, báo Yediot Aharonot của Israel đã bình luận khi nói về cơ hội hòa bình Trung Đông. Gần 20 năm qua, kể từ khi Hội nghị hòa bình Madrid thiết lập chương trình khung cho tiến trình hòa bình vào năm 1991, đến thỏa ước Oslo lịch sử năm 1993, hòa bình Trung Đông vẫn là chặng đường đầy gian khó.

Mô tả ảnh.

Theo các nhà phân tích, thách thức sẽ đặt lên vai Ngoại trưởng Hillary Clinton (giữa) trong cuộc đàm phán ngày 14 và 15-9 tới giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. (Ảnh: NYT)

Người ta thấy cuộc đàm phán trực tiếp, mặt đối mặt của 2 nhà lãnh đạo Israel và Palestine diễn ra vào ngày 2-9 vừa qua ở Washington vẫn có những cái bắt tay nồng ấm, những bài phát biểu khẳng định mong muốn hòa bình, nhưng vẫn hàm chứa sự kiêu kỳ, không nhượng bộ.

Cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lẫn Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đều đồng ý tìm kiếm khung cho thỏa thuận hòa bình do Mỹ hậu thuẫn trong vòng một năm và chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng trên mảnh đất Trung Đông vốn được mệnh danh là “chảo lửa”. Tuy nhiên, chính vị Thủ tướng “diều hâu” Netanyahu cũng phải thừa nhận rằng “điều này không dễ”. Bởi lẽ theo ông, “một nền hòa bình thật sự, một nền hòa bình bền vững sẽ chỉ đạt được khi có sự nhượng bộ đau đớn từ cả hai phía”. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ nhượng bộ? Chắc chắn không phải Israel và cũng không phải Palestine. Xem ra nguyên nhân cốt lõi của khó khăn mà cả Israel và Palestine đều nhận thấy chính là sự thiếu thiện chí. Việc thiếu thiện chí đã dẫn đến những ngờ vực sâu sắc, làm thành hố sâu ngăn cách giữa 2 người láng giềng này.

Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Abbas cùng khẳng định, họ muốn “giải pháp 2 nhà nước”. Nhưng cả hai đều do dự với những thách thức chính trị trong nước khiến khả năng về một thỏa thuận cuối cùng vẫn là câu hỏi lớn. Ông Abbas kêu gọi Israel kết thúc phong tỏa Dải Gaza và ngừng hoạt động tái định cư. Song, ông nói rằng Palestine thừa nhận sự cần thiết của vấn đề an ninh - yêu cầu quan trọng mà Israel đặt ra trước các vụ xung đột ở Bờ Tây khiến 4 người Israel thiệt mạng và 2 người khác bị thương trong tuần qua.

Nhiều nhà phân tích quốc tế kỳ vọng vào một giải pháp do Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra nhưng cho đến lúc này, sự can thiệp của Washington trong chính sách Trung Đông vẫn còn quá ít. Báo Jerusalem Post thậm chí ví von cuộc gặp gỡ giữa 2 người láng giềng Netanyahu và Abbas trong tuần qua tại Nhà Trắng là cuộc hôn nhân gượng ép. Hai nhân vật chính không hề muốn có một nghi lễ linh đình, sang trọng với sự chứng kiến của cha mẹ và người thân mà bản thân họ lại không có chút xúc cảm hay thiện chí nào. “Sân khấu chính trị” với sự hiện diện của ông chủ Nhà Trắng, Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Abbas, Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ là hình thức để khẳng định vai trò trung gian của Washington. Một nhà phân tích chính trị đã cho rằng, đây là cơ hội để ông Obama đánh bóng hình ảnh cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới và sự ủng hộ dành cho mình.

Thế giới đang kỳ vọng vào cuộc hợp hôn thật sự giữa Israel và Palestine để giảm “chảo lửa” cho Trung Đông. Cuộc gặp gỡ ngày 14 và 15-9 tới tại Ai Cập với sự tham gia của Ngoại trưởng Hillary Clinton và đặc sứ của Tổng thống Obama, ông George Mitchell, đang được dự báo không mở ra thêm cơ hội.

TÚ PHƯƠNG

.