Quốc tế

Khoảng trống quyền lực

09:58, 01/09/2010 (GMT+7)

Cách đây 7 năm - năm 2003 - Mỹ mở cuộc chiến tranh xâm lược trên quy mô lớn nhằm vào Iraq để lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein với những cáo buộc về tội liên quan đến mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, sản xuất vũ khí giết người hàng loạt...

Rồi chỉ trong vòng khoảng 20 ngày, với hàng trăm ngàn binh lính được trang bị vũ khí đến tận răng, được hải quân và không quân cùng các loại tên lửa tối tân hỗ trợ, quân đội Mỹ đã nhanh chóng chiếm được thủ đô Baghdad, lật đổ Tổng thống Saddam Hussein và xóa bỏ toàn bộ hệ thống chính quyền từ trung ương đến cơ sở, kiểm soát toàn bộ đất nước giàu dầu mỏ này.

Những tưởng đó là một chiến công , nhưng kỳ thực, Mỹ đã tạo ra một lổ hỗng lớn về quyền lực ngay lập tức tại Iraq. Bởi lẽ, Mỹ không thể nào tự mình điều hành một quốc gia khác biệt về văn hóa, sắc tộc và ở cách xa nước Mỹ hàng vạn dặm;  hay dựng lên ngay một chính quyền thân Washington có đủ năng lực để kiểm soát đất nước. Vậy là cái mục tiêu mang nhãn hiệu “nhân danh công lý”, “nhân danh hòa bình” do chính quyền của Tổng thống G.W.Bush cố tạo ra để mở cuộc chiến tranh, đã đẩy Iraq- một quốc gia  có nền văn minh lâu đời của nhân loại , vốn đang sống trong cảnh  bình yên, bỗng chốc trở nên điêu tàn, loạn lạc, và là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm  phát sinh và những tổ chức khủng bố khét tiếng hình thành gây nên vô vàn tội ác cho đồng loại.

Hơn thế, bom đạn Mỹ đã cướp đi mạng sống của trăm ngàn người dân Iraq vô tội, làm cho hàng triệu người khác phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, đói khát, hay buộc phải rời nơi cư trú để sống một cuộc sống tồi tệ trong các trại tỵ nạn. Nhưng có lẽ, một điều khác đáng quan tâm nhất là Mỹ đã làm cho xã hội Iraq phân hóa sâu sắc, xung đột sắc tộc, tôn giáo ngày càng dữ dội làm cho đất nước này suốt 7 năm qua chưa có ngày nào yên bình. Các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng liên tiếp diễn ra ở thủ đô Baghdad và nhiều thành phố khác, luôn là thách thức nghiêm trọng đối với quân đội Mỹ và chính quyền Iraq hiện nay. Không những vậy, Mỹ cũng đã đẩy nền kinh tế  Iraq  vốn giàu có từ nguồn tài nguyên dầu mỏ thành quốc gia kiệt quệ về kinh tế, khôi phục lại từ đống đổ nát do bom đạn Mỹ tàn phá bằng nguồn viện trợ nước ngoài...

Là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, một sự chiếm đóng bất hợp pháp,  bị nhân dân Iraq và cộng đồng quốc tế lên án, người kế nhiệm của Tổng thống G.W.Bush đã quyết định rút quân khỏi nước này. Ngày 31- 8 (theo giờ Mỹ) Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu chính thức tuyên bố kết thúc nhiệm vụ chiến đấu của Mỹ tại Iraq , và chỉ còn lưu lại chiến trường này chưa đầy 50.000 quân so với khoảng 144.000 binh sĩ hồi tháng 1-2009, sau đó sẽ triệt thoái hết vào năm 2011. Phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs ngày 30-8, khi trả lời phỏng vấn báo chí đã nói rằng với cách thức mọi sự diễn tiến tại Iraq, và với các nguồn lực đi kèm, thì Mỹ đã phạm phải một số “sai sót về chiến lược và chiến thuật khá to lớn”.

Rồi một điều cay đắng nữa lại tái diễn trên đất nước Iraq, khi Mỹ tuyên bố kết thúc nhiệm vụ tác chiến, là khoảng trống quyền lực tiếp tục xuất hiện, làm cho mối đe dọa về an ninh tăng lên gấp bội.  Bởi, cuộc bầu cử Quốc hội Iraq từ tháng 3 cho đến nay, các phe phái vẫn tiếp tục tranh cãi mà chưa tìm được những thỏa hiệp để tiến tới thành lập một chính phủ để điều hành . Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Iraq  ngày 31-8 vừa để tham dự lễ chuyển giao quyền chỉ huy, đánh dấu việc kết thúc các nhiệm vụ tác chiến của Mỹ ở Iraq, nhưng đồng thời cũng thực hiện sứ mệnh là hối thúc giới lãnh đạo nước này hoàn tất  các cuộc đàm phán về việc thành lập chính phủ mới.

Trong khi đó, quân đội Mỹ rút đi, nhưng  bộ máy chính quyền cơ sở còn non trẻ và  lực lượng tại chỗ chưa đủ khả năng kiểm soát tình hình. Báo động đỏ đã được ban hành. Một sự lo âu và căng thẳng bao trùm lên cả đất nước Iraq. Trả lời  phỏng vấn tờ New York Times, ngày 30-8, sĩ quan hàng đầu của Mỹ tại Iraq, Tướng Ray Odierno, nói rằng Mỹ đã vào Iraq năm 2003 “rất ngây thơ” về những vấn đề ở đó, và đã bày tỏ lo ngại về tình trạng bế tắc chính trị ở nước này khó được giải quyết, đồng thời cảnh báo việc không thể thành lập được chính phủ có thể hủy hoại niềm tin của người Iraq vào thể chế dân chủ. Tướng Ray Odierno nói: “Điều tôi không muốn là người Iraq mất lòng tin vào hệ thống dân chủ, và đây là rủi ro lâu dài”!

Như vậy, cái dấu ấn bao trùm mà chính quyền Mỹ tạo ra cho cộng đồng quốc tế vào những năm đầu của thế kỷ XXI này là hai cuộc chiến tranh xâm lược tại Afghanistan và Iraq đều dưới danh  nghĩa “chống khủng bố”. Nước Mỹ không những tốn tiền của, sinh mạng của con em mình, không được an toàn hơn, mà hơn thế, họ đã và đang gây ra hàng trăm ngàn cái chết của thường dân vô tội, gây ra thiệt hại về kinh tế,  khủng hoảng về chính trị, an ninh tại Afghanistan và Iraq.

Nguyên Châu
Ngày 31 tháng 8 năm 2010

.