.

44 triệu người đói

Cơn hạn hán nghiêm trọng vào mùa Đông đang đe dọa mùa màng ở Trung Quốc - nước sản xuất lúa mì nhiều nhất thế giới. Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho hay mật độ mưa dưới mức bình thường kể từ 5 tháng qua tại Trung Quốc, Ấn Độ… không những đe dọa nông dân trồng lúa mì, lúa nước mà còn khiến nguồn nước uống bị thiếu hụt, ảnh hưởng tới hàng triệu người. Trong khi đó, ở Australia, trận bão Yasi mới đây khiến vấn đề lương thực, thực phẩm thêm nóng bỏng. Ông Alf Cristaudo, Chủ tịch tổ chức các nhà trồng mía tại Australia cho biết có tới một phần tư vụ mùa mía trong tiểu bang Queensland có thể bị thất thu vì bão.

Trong khi đó, bản báo cáo hằng tháng mới nhất của Chính phủ Mỹ về vấn đề ngũ cốc khiến nhiều người quan ngại về việc sản phẩm nông nghiệp ngày càng được sử dụng để làm nhiên liệu: Vì bắp được dùng rất nhiều để chế tạo chất ethanol (chất xăng sinh học) nên Bộ Nông nghiệp Mỹ tiên đoán mức dự trữ bắp sẽ giảm 9%. Đây sẽ là mức dự trữ bắp thấp nhất kể từ thời kỳ Đại khủng hoảng tới nay.

Còn các nhà kinh doanh gạo cho hay chẳng bao lâu nữa chính phủ các quốc gia trong vùng châu Á sẽ tìm cách mua thêm gạo để tích trữ. Ngày 9-2 vừa qua, Chính phủ Indonesia đã nhóm họp để thảo luận tình hình an ninh lương thực. Bộ trưởng Kinh tế Hatta Rajasa đề nghị nội các chấp thuận cho ký các hợp đồng nhập khẩu để nâng mức gạo dự trữ lên tới 2 triệu tấn so với mức 1,5 triệu tấn hiện nay. Hồi tháng trước Indonesia đã khiến thị trường quốc tế ngạc nhiên khi họ mua gần gấp 5 lần số gạo dự kiến trước đó. Nước này cũng tạm ngưng đánh thuế nhập khẩu lương thực, cho thấy Indonesia có thể tiếp tục mua thêm gạo để tích trữ. Bangladesh  cũng cho biết họ đang đặt mua 200.000 tấn gạo của Thái Lan... Tình hình lương thực đang ngày càng trở nên phức tạp bởi nhiều yếu tố, trong đó có thời tiết bất thường tác động.

Lên tiếng về những diễn biến đó, ngày 15-2, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick nói rằng giá lương thực tăng cao và khan hiếm  đã đẩy khoảng 44 triệu người lâm vào cảnh nghèo túng cùng cực ở các nước đang phát triển. Ông Zoellick khẳng định nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G-20 cần phải đặt lương thực vào ưu tiên hàng đầu trong nghị trình hoạt động. Phát biểu trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước G-20 được tổ chức tại thủ đô Paris của Pháp, ông Zoellick nói chỉ số giá lương thực của WB chỉ thấp hơn mức đỉnh điểm có 3% khi những vụ bạo loạn về lương thực bùng phát tại một số quốc gia trên thế giới năm 2008. Ông nói mặc dù giá cả lương thực không phải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những xáo trộn tại Trung Đông và  Bắc Phi, nhưng nó cũng là một yếu tố khiến tình hình trở nên trầm trọng. Ông Zoellick cho biết vụ mùa thành công tại tiểu vùng Sahara đã khiến khu vực này thoát khỏi những hậu quả tồi tệ nhất.

Giám đốc WB Robert Zoellick kêu gọi có hành động toàn cầu để cải thiện việc nông dân có được những loại hạt giống tốt, phân bón và thị trường. Các quốc gia cần phải chia sẻ nhiều thông tin hơn về mức cung cấp ngũ cốc trên thế giới nhằm tránh những phản ứng quá mức về những đột biến trong nguồn cung. Ông cũng kêu gọi thiết lập các mạng lưới an toàn hơn cho người nghèo để tránh suy dinh dưỡng, nhất là cho phụ nữ có thai và trẻ nhỏ.

Rõ ràng, vấn đề an ninh lương thực đang trở thành mối quan tâm của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.