.

Cơn thịnh nộ Arab

Thế giới Arab lâu nay tưởng như vẫn ngủ yên trong sự hào nhoáng bên ngoài, cùng với sự nắm quyền tựa những thành trì vững như bàn thạch thì nay bỗng bùng nổ “cơn thịnh nộ” dữ dội. Trung Đông chưa hết choáng váng, thì đến Bắc Phi lao đao. Các cuộc tuần hành chống Chính phủ và xung đột đẫm máu đang tạo ra thách thức cho nhiều nước ở 2 khu vực này. 

Tấm màn nhung của thế giới Arab được vén lên, để lộ bao tồn tại ngổn ngang cùng sự bất mãn âm ỉ. Giờ đây, sự bất mãn này đang thổi bùng thành ngọn lửa lớn. Không còn gói gọn ở Tunisia hay Ai Cập nữa, mà nay Bahrain, Yemen, Iran, Libya đã và đang trở thành những điểm nóng mới. Thêm vào đó, các nước như Algeria, Syria, Iraq, Jordan cũng đang vấp phải sự chống đối của người dân với yêu cầu cải cách chính trị cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Có lẽ Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali nắm quyền 23 năm hay người hùng một thời của Ai Cập Hosni Mubarak nắm quyền suốt 30 năm cũng không ngờ có ngày mình bị lật đổ. Vì thế, ảo tưởng về sự thịnh trị đã khiến các nhà lãnh đạo này ngủ quên, nên tỷ lệ thất nghiệp ở Tunisia mới ở con số chóng mặt 14%, sự nghèo đói tràn lan ở các vùng nông thôn, rồi chỉ trong 18 ngày diễn ra “cơn bão” trên các đường phố tại Ai Cập, “thành trì” Mubarak phải sụp đổ. Các nhà quan sát cũng nhắc đến thái độ của Mỹ với đồng minh Arab, vốn được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy các cuộc cách mạng hoa nhài này thành công. Hầu như với mỗi nước, Washington có những phản ứng khác nhau. Với những đồng minh thân thiết Arab, đương nhiên “ông lớn” này không thể để mất lòng các nhà lãnh đạo đang nắm quyền. Còn với Iran hay Libya, Mỹ đã thẳng thắn bày tỏ sự ủng hộ lực lượng biểu tình.

Trung Đông và Bắc Phi lúc này như một chảo lửa và thật khó khẳng định được có thể dập tắt một cách êm thấm. Cộng đồng thế giới đang quan ngại và đặt câu hỏi về tương lai cho các nước Arab cũng như cả Libya.       

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.