.

Mỹ lợi dụng biến cố Ai Cập can thiệp vào Iran

Những biến cố chính trị xảy ra ở Tunisia và Ai Cập cùng một số nước khác ở Trung Đông và Bắc Phi đang tạo ra phản ứng dây chuyền. Ngày 14-2, cảnh sát chống bạo động Iran đã bắn hơi cay và đạn sơn, bắt giữ hàng chục người biểu tình, biến một cuộc tuần hành ở thủ đô  Tehran nhằm ủng hộ những cuộc nổi dậy ở các quốc gia  Arab trở thành một cuộc biểu tình chống chính phủ.
 
Cuộc đụng độ này đã nổ ra tại Quảng trường Azadi (Tự do) ở thủ đô  Tehran khi đám đông người biểu tình bắt đầu hô vang “Xử tử kẻ độc tài” - khẩu hiệu thường được những người biểu tình sử dụng nhằm chống Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad sau cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi năm 2009. Trước đó, lực lượng an ninh Iran đã được triển khai trên các đường phố ở  Tehran và phong tỏa nhà ở của thủ lĩnh đối lập Mousavi nhằm tìm cách ngăn chặn các nhà cải cách tổ chức cuộc biểu tình trên. Trang web “Kaleme” cho hay cảnh sát Iran đã bố trí một số ô-tô bên ngoài nhà của ông ở Mousavi để ngăn chặn ông và vợ không được tham gia vào cuộc tuần hành như đã định. Ngoài ra, trang web trên còn cho hay giới hữu trách cũng cắt đứt đường điện thoại ở nhà ông Mousavi và chặn kết nối điện thoại di động của ông. Trang web này gọi hành động của Chính phủ Iran là một dấu hiệu của “sự yếu kém và sợ hãi”.

Chớp lấy cơ hội vàng đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên tiếng hoan nghênh “lòng can đảm” và “những khát vọng” của những người biểu tình tại Iran, đồng thời hối thúc  Tehran noi theo tấm gương Ai Cập và “mở” hệ thống chính trị của nước này. Phát biểu trước báo giới cùng ngày, bà Clinton nói: “Chúng tôi mong phe đối lập và những người dân dũng cảm trên đường phố ở khắp các thành phố Iran có cơ hội tương tự như họ đã thấy nhân dân Ai Cập có được hồi tuần trước. Chúng tôi ủng hộ các quyền phổ cập của người dân Iran. Họ xứng đáng có các quyền như vậy”. Đồng thời bà Clinton nói: “Chúng tôi phản đối bạo lực và sẽ yêu cầu chính quyền Iran giải thích về việc họ một lần nữa sử dụng lực lượng an ninh và bạo lực để ngăn tự do bày tỏ ý nguyện của người dân”.

Trong khi đó,  Bộ Ngoại giao Mỹ đã bắt đầu cho đăng các thông điệp trên Twitter nhắm tới Iran bằng tiếng Farsi của người dân nước này , với hy vọng các thông điệp đó sẽ tới được người dân Iran sử dụng mạng truyền thông xã hội. Trên trang “USA darFarsi” trên Twitter, Bộ Ngoại giao Mỹ nói với người dân Iran rằng “Chúng tôi muốn tham gia đối thoại với các bạn”. Trong những thông điệp sau đó, Bộ này còn cáo buộc Chính phủ Iran đàn áp phe đối lập trong khi ca ngợi người Ai Cập đã thực hiện những hành động chống đối chính quyền. Bộ Ngoại giao Mỹ  cũng kêu gọi  Tehran cho phép người dân Iran “được hưởng các quyền phổ cập” về hội họp và biểu tình giống như người dân Ai Cập. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho đăng các thông điệp trên Twitter bằng tiếng  Arab. Tài khoản này đã thu hút được 135.000 người ghi danh theo dõi chỉ trong vài giờ sau khi được công bố.

Tuy nhiên, từ sự kiện xảy ra ở Ai Cập, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cho rằng “một Trung Đông mới” sẽ sớm được hình thành và Mỹ cũng như  Israel sẽ không còn chỗ đứng ở khu vực này. Phát biểu trước đám đông tụ tập tại Quảng trường Azadi ở thủ đô Tehran để kỷ niệm 32 năm Ngày Cách mạng Hồi giáo hôm 11-2, ông Ahmadinejad nói: “Người dân toàn thế giới sẽ sớm chứng kiến một Trung Đông mới không có sự hiện diện của Mỹ cũng như chế độ Do Thái và cũng không có chỗ cho những kẻ ngạo mạn (phương Tây) tại khu vực này”.
 
Trong bài diễn văn trên, Tổng thống Ahmadinejad cũng cảnh báo người dân Ai Cập cần phải thận trọng, kêu gọi người dân nước này đoàn kết và cảnh giác với ý đồ của Mỹ, đồng thời khẳng định  Tehran ủng hộ quyền lựa chọn của người dân Ai Cập. Tổng thống Iran hối thúc Mỹ không can thiệp vào khu vực Trung Đông. Iran, quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Cairo, mới đây đã bày tỏ ủng hộ làn sóng nổi dậy của người dân Ai Cập với việc lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, thậm chí còn kêu gọi thiết lập một chế độ Hồi giáo tại Ai Cập.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.