Mặc dù còn rất nhiều vấn đề phải lo ngại, nhưng do vị trí chiến lược và tính cấp bách của cuộc chiến chống khủng bố, Washington đã nâng quan hệ Mỹ - Pakistan lên tầm chiến lược. Mỹ đã viện trợ quân sự và kinh tế cho Pakistan hàng tỷ USD mỗi năm để đổi lại, Islamabad hợp tác với Washington trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, mối quan hệ đó liên tiếp vấp phải những vật cản rất lớn, mà vụ Raymond Davis mới đây là một điển hình.
Hôm 27-1, ở thành phố Lahore miền Đông Pakistan, nhà ngoại giao Mỹ Raymond Davis đã bắn chết hai người Pakistan tại một khu phố đông người. Davis khẳng định ông đã tự vệ khi bắn chết hai người này. Cảnh sát Pakistan đã bắt Raymond Davis để điều tra và xét xử theo luật pháp của nước này.
Ngay sau vụ việc xảy ra, chính quyền Mỹ yêu cầu Islamabad thả ngay Raymond Davis. Các nghị sĩ Mỹ ngày 8-2 cho biết họ đã thông báo với giới lãnh đạo Pakistan rằng Quốc hội Mỹ sẽ xem xét việc cắt viện trợ cho quốc gia Nam Á này nếu Islamabad không trả tự do cho một công dân Mỹ bị cáo buộc giết người. Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Buck McKeon cho hay ông đã nói với các nhà lãnh đạo Pakistan rằng Quốc hội Mỹ đang thảo luận về gói viện trợ này. Khi được hỏi viện trợ cho Islamabad có nguy cơ bị cắt không, ông McKeon nói rằng khả năng đó là rất có thể. Hạ nghị sĩ John Kline thì tuyên bố “sẽ có nhiều người ủng hộ” cắt viện trợ nếu công dân Mỹ, người Washington khẳng định được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, không được trả tự do.
Còn Tomm Donilon, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã dọa trục xuất Đại sứ Pakistan tại nước này nếu một quan chức ngoại giao Mỹ bị bắt ở Lahore không được trả tự do . Hãng tin ABC dẫn lời hai quan chức Pakistan cho biết ông Donilon đã đưa ra đe dọa trên sau khi triệu Đại sứ Pakistan Husain Haqqani tới Nhà Trắng. Có tin nói rằng ông Donilon đã cảnh báo các lãnh sự quán của Mỹ tại Pakistan có thể phải đóng cửa và chuyến thăm Washington sắp tới của Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari có thể bị hủy bỏ nếu quan chức Mỹ nói trên, mà cảnh sát Pakistan cáo buộc tội giết người, không được trả tự do.
Ngày 15-2, trong những bình luận đầu tiên của mình đối với vụ việc khiến cho mối quan hệ song phương vốn đã khó khăn nay càng trở nên băng giá này, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng quan chức Davis được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao theo Công ước Viên. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Obama nói: “Chúng tôi trông đợi Pakistan tuân thủ công ước tương tự. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ Pakistan để cho người này được trả tự do. Rõ ràng chúng tôi quan tâm đến sự mất mát con người. Chúng tôi không nhẫn tâm về điều đó, nhưng có một nguyên tắc lớn hơn đang bị đe dọa”.
Đồng thời Mỹ đã cử Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ John Kerry đến Pakistan để giải quyết vụ việc. Một phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Islamabad cho biết ông Kerry gặp các quan chức Chính phủ Pakistan để tái khẳng định cam kết lâu dài của Washington đối với Pakistan. Một quan chức giấu tên của Mỹ xác nhận chuyến thăm của Thượng nghị sĩ John Kerry nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này và giảm áp lực cho chính phủ liên minh của Pakistan. Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau khi đến Lahore, ông John Kerry nói rằng Washington “rất đau buồn” về vụ hai người Pakistan bị bắn chết nói trên. Ông nói: “Tôi muốn đến đây để bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc nhất về những sự kiện bi thảm này, đồng thời bày tỏ sự đau buồn của người Mỹ đối với sự mất mát này”. Ông nhấn mạnh Mỹ và Pakistan cần tập trung vào “nhiều lợi ích chung” của hai nước hơn là để cuộc tranh cãi nói trên làm chệch hướng các mối quan hệ.
Lên tiếng về thái độ của Mỹ trong vụ Davis, Đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami có ảnh hưởng tại Pakistan đã tố cáo Washington uy hiếp Islamabad trong vụ việc trên, đồng thời cảnh báo sẽ tiến hành biểu tình nếu nhân viên Lãnh sứ quán Mỹ Davis được trả tự do.
Trong khi đó, các nhà quan sát cho rằng quan hệ liên minh chiến lược Washington - Islamabad là lỏng lẻo. Quốc gia này đang chứa đựng những nguy cơ bất ổn ngay trong nội bộ và sẽ bất lợi cho Mỹ nếu không tạo được sự ổn định thì cuộc chiến chống khủng bố của Washington bị ảnh hưởng rất lớn. Mỹ đã xuống thang và đang cố dàn xếp vụ Davis theo hướng có lợi cho cả hai bên. Về một phương diện khác, vụ Davis cũng là phép thử cho chính quyền Islamabad, nếu không giải quyết ổn thỏa rất dễ mất lòng Mỹ và hơn thế có thể dẫn đến xung đột ngay trong nội bộ, vì các đảng đối lập, nhất là Taliban, chống Mỹ rất quyết liệt, coi việc chính quyền trung ương liên minh với Washington là làm tổn hại tới lợi ích dân tộc, gây phương hại cho nước Hồi giáo.
Nguyên Châu