Cuối tuần qua tại Paris (Pháp) các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã họp hội nghị kéo dài 2 ngày về tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu.
Trước khi hội nghị khai mạc, Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda của Nhật Bản nói ông không nghĩ rằng các nước sẽ đồng ý với nhau về tất cả những ý kiến hay biện pháp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai. Ông Noda nói thêm trong những cuộc họp cấp chuyên viên trước đây, các nước đã không đồng thuận về những biện pháp phải thực hiện.
Còn Trung Quốc nhắc lại sẽ ấn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ tùy thuộc vào tình hình kinh tế và phát triển trong nước, không nhượng bộ sức ép từ bên ngoài. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã lên tiếng bảo vệ chính sách tiền tệ nới lỏng của nước này, đồng thời cùng với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mervyn King kêu gọi các nước tiến hành cải cách tiền tệ. Theo tờ Finantial Times (Anh) phát biểu ngay trước khi diễn ra Hội nghị G-20 , ông Bernanke đã phản bác các ý kiến chỉ trích rằng chính sách tiền tệ của Mỹ đã thổi bùng ngọn lửa lạm phát, gây bất ổn ở các nền kinh tế đang phát triển.
Ông thừa nhận các luồng “tín dụng nóng”, trong đó có gói kích cầu đợt hai trị giá 600 tỷ USD của FED, đã góp phần tạo ra những hiệu ứng tiêu cực ở nơi khác. Tuy nhiên, thủ phạm của tình trạng này bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có chính sách tỷ giá cứng nhắc ở các nước đang phát triển. Ông Bernanke nói: “Các nước có thặng dư thương mại lớn và không ổn định cần cho phép tỷ giá phản ánh sát hơn trước những vận động của thị trường và gia tăng nỗ lực kích cầu trong nước”. Thống đốc Ngân hàng Anh Mervyn King cho rằng thế giới đang đứng trước nguy cơ tái diễn tình trạng bảo hộ thương mại và khủng hoảng tài chính, vì vậy các nước cần hợp tác trong chính sách tiền tệ và tỷ giá. Ông Mervyn King nói: “Nếu không cùng nhau giải quyết các vấn đề này, chúng ta sẽ đối mặt với tình trạng hồi phục yếu kém và tệ nhất, chúng ta sẽ gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới”.
Theo Kyodo (Nhật), Chính phủ Pháp, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên G-20, cho biết nhóm này đã đạt được sự đồng thuận về các biện pháp nhằm giám sát sự mất cân bằng của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các Bộ trưởng Tài chính và các Thống đốc Ngân hàng Trung ương của nhóm G-20 vừa kết thúc cuộc họp kéo dài trong hai ngày ở Pari. Hiện sự mất cân bằng của nền kinh tế được cho là nguyên nhân làm trầm trọng thêm sự rối loạn tài chính toàn cầu. Đây được coi là thành công nhất của G-20 lần này vì có sự đồng thuận cao các biện pháp giám sát để ngăn chặn sự mất cân đối của các nền kinh tế, một nguyên nhân chủ yếu tạo ra cuộc khủng hoảng.
Trong diễn biến liên quan khác, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ nâng tỉ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5% (50 điểm cơ bản) đối với các ngân hàng ở nước này kể từ ngày 24-2 tới. Đây là động thái được cho là nhằm hạn chế việc cho vay và hạ nhiệt tỉ lệ lạm phát vốn làm tăng tỉ giá tiêu dùng lên 4,9% trong tháng Giêng so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 4,6% so với một tháng trước đó. Nó cũng diễn ra gần hai tuần sau khi ngân hàng này nâng mức lãi suất lần thứ ba trong vòng bốn tháng trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải vật lộn nhằm kiểm soát cơn bão giá mà nước này lo ngại có thể dẫn đến các bất ổn xã hội.
Ngoài ra, Hãng Thông tấn Trung Tân (hãng thông tấn cấp quốc gia chủ yếu đưa tin đối ngoại) của Trung Quốc đưa tin lần đầu tiên Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc tiết lộ tính toán chính thức về giá trị tiền nóng đổ vào nước này. Theo đó, năm 2010 ước tính có 35,5 tỉ USD tiền nóng đổ ròng vào Trung Quốc, chiếm 7,6% lượng tăng dự trữ ngoại hối và 0,6% GDP của Trung Quốc năm 2010. Hãng Thông tấn Trung Tân cũng cho biết 10 năm qua, bình quân mỗi năm có gần 25 tỉ USD tiền nóng đổ vào Trung Quốc, chiếm 9% lượng tăng dự trữ ngoại hối cùng kỳ.
Nguyên Châu