.

Đàm phán giữa những hoài nghi

Việc 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức thống nhất nối lại đàm phán với Iran nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới, những nước vốn quan ngại về một cuộc chiến thật sự giữa Israel với Tehran.

Cuộc đối thoại P5+1 về vấn đề hạt nhân có mang tính xây dựng hay không thì chưa rõ, nhưng Iran đã đồng ý cho các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) trở lại cơ sở quân sự Parchin. Động thái này được xem là sự lùi bước và thể hiện quyết tâm của Iran trong việc làm rõ vấn đề hạt nhân mà nước này luôn khẳng định vì mục đích hòa bình. Iran đang đứng trước sức ép của thế giới, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ.  

Cuộc đàm phán cuối cùng giữa Iran và nhóm P5+1 là vào tháng 1-2011 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ; rồi từ đó căng thẳng vẫn không ngừng gia tăng cùng những tuyên bố, đe dọa cứng rắn của Mỹ và phương Tây. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cũng nhấn mạnh rằng, đàm phán sẽ thất bại nếu các cường quốc gây áp lực trong suốt quá trình thương thảo. Nếu đàm phán P5+1 thất bại, Iran có thể phải hứng chịu cuộc tấn công từ Israel, nhất là khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ không để người dân nước ông “sống trong bóng tối hủy diệt”. Còn Pháp hoài nghi về đàm phán và cho rằng, Iran chơi trò “2 mặt”.

Tin tức về đàm phán vừa được đưa ra thì ngay lập tức có nguồn tin rằng, các nhân viên tại căn cứ Parchin có thể đã xóa những dấu vết phóng xạ còn sót lại sau vụ thử nghiệm kíp nổ hạt nhân. Theo một nhà ngoại giao quốc tế, bất kỳ nỗ lực nào như vậy chỉ có thể là nhằm phát triển vũ khí hạt nhân.

Bất chấp sự phản đối của Iran, IAEA vốn xem Parchin là căn cứ bí mật đã tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân và cơ quan này chưa có bằng chứng. Nay thêm tiết lộ mới về Parchin, chưa rõ cuộc đàm phán P5+1 sẽ đi đến đâu hay sẽ rơi vào luẩn quẩn và bế tắc.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.