Quan sát & Bình luận

Sản phẩm của một cuộc chiến?

07:33, 24/06/2014 (GMT+7)

Tình hình chiến sự tại Iraq đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Cuộc tổng tấn công của lực lượng vũ trang thuộc cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và vùng cận Đông” (EIIL)  từ hơn 10 ngày nay khiến chính quyền Iraq đứng bên bờ vực tan vỡ. Tính đến ngày 21-6 vừa qua, quân nổi dậy Hồi giáo Sunni đã kiểm soát được thêm một trong ba cửa khẩu lớn với Syria và quân nổi dậy chỉ còn cách Baghda khoảng 100 km.

Đứng trước nguy cơ có thể bị mất quyền kiểm soát đất nước, Thủ tướng Nouri al-Maliki đã chính thức đề nghị Mỹ tiến hành không kích vào quân nổi dậy để hỗ trợ cho quân đội chính phủ mở các cuộc tấn công giành lại các vùng đất và thành phố bị mất. Trong bối cảnh Iraq đang bên bờ tan vỡ, khả năng hình thành một Nhà nước Hồi giáo thánh chiến là hoàn toàn có thể xảy ra, Tổng thống Mỹ Obama đã cử một lực lượng 300 binh sĩ tới Iraq, để phục vụ trước hết cho hoạt động tình báo và cố vấn, và tuyên bố sẵn sàng có “hành động có trọng điểm” sau khi thảo luận với lãnh đạo Quốc hội nước này.

Như vậy, sau cuộc chiến kéo dài 10 năm do Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống G.W. Bush (con) và các đồng minh tiến hành nhằm vào Iraq dưới cái gọi là “tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt” để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, thì chưa tròn 1 năm Mỹ tuyên bố rút quân, đất nước này lại lâm vào cảnh nội chiến đẫm máu do EIIL tiến hành. Chính quyền Obama tuyên bố sẽ trợ giúp vũ khí, thậm chí tấn công bằng không quân, nhưng sẽ không đưa quân tham chiến để sa lầy như chính quyền Bush đã làm.

Tuy nhiên, qua sự lớn mạnh và phát triển nhanh chóng của EIIL không chỉ diễn ra tại Iraq mà nó đang bành trướng cả Lybia, Syria, Ai Cập…đã thật sự đẩy khu vực Trung Đông lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị vô cùng sâu sắc.

Theo các nguồn tin nước ngoài, cầm đầu EIIL là Abou Bakr al-Baghdadi, lãnh đạo nhóm Djihad là một người vô cùng bí mật, tự đại, mưu mô và khát máu. Mục tiêu của Al-Baghdadi là chiến thắng người Hồi giáo theo hệ phái Shia và lập ra nhà nước Hồi giáo và Trung Đông và vẽ lại lãnh thổ vùng Trung Đông. 43 tuổi, Al-Baghdadi còn được mệnh danh là “Al-Shabah”, tức là bóng ma. Al-Baghdadi sinh ra tại tỉnh Diyala, phía đông Iraq. Người ta chỉ thấy Al-Baghdadi qua tấm ảnh do FBI đăng và treo giá 10 triệu đô-la. Tại Raqqa, thành phố thuộc Syria, nơi Al-Baghdadi quyết định làm thủ đô cho EIIL, không ai dám gọi tên ông ta. Người dân ở nơi này bị cấm xem bóng đá, hút thuốc, nghe nhạc.

Như vậy, cuộc chiến 10 năm do Mỹ và các đồng minh tiến hành để loại bỏ Iraq “sở hữu vũ khí giết người hàng loạt” và “Al-Qaeda” đã không mang lại cho quốc gia này một nền hòa bình thật sự mà tiếp tục rơi vào cuộc nội chiến tàn khốc.

Trong khi đó, nguyên Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney (được mệnh danh là “siêu diều hâu” ) lại chế giễu Tổng thống Obama lo nói chuyện về “biến đổi khí hậu”, trong lúc tình hình đang “máu chảy đầu rơi” tại Iraq. Phe bảo thủ của Mỹ cũng tự cho rằng hoàn toàn không dính líu gì đến tình trạng hỗn loạn tại quốc gia Trung Đông này. Lập luận của họ là Iraq vốn đã “ổn định, an toàn và vận hành bình thường”, khi ông Obama lên nắm quyền, và chê trách Tổng thống Obama đã ra lệnh rút quân quá sớm khỏi Iraq, bất chấp các cảnh báo?!

Còn Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, hiện đang công du tại Trung Đông đã đưa ra nhận định: Người Iraq phải vượt qua khác biệt, để tự tìm ra giải pháp với nhau. Vì sau một thời gian bầu cử Quốc hội mà cho đến nay Iraq vẫn chưa lập được chính phủ. Cũng như Mỹ, Pháp một đồng minh khi tham gia vào cuộc chiến tranh Iraq 10 năm trước cũng cảm thấy không thể có cuộc can thiệp vũ trang nên cũng đưa ra quan điểm là xung đột tại Iraq phải được giải quyết bằng con đường chính trị.

Những diễn biến của tình hình khu vực Trung Đông, nhất là Iraq hiện tại, theo nhà phân tích Alain Frachon, những câu hỏi mà giới chính trị, cả tả và hữu đặt ra hiện nay ở Mỹ và châu Âu về ai chịu trách nhiệm trong sự tan rã của một trong những quốc gia hùng mạnh nhất vùng Trung Đông này. Đó là từ 34 năm qua, Iraq chỉ biết đến chiến tranh, trong và ngoài nước, tôn giáo và phi tôn giáo, chủ động và thụ động.

Có một thực tế cho thấy Saddam Hussein không sở hữu vũ khí hạt nhân, không có liên hệ với Al-Qaeda, hay cuộc khủng bố 11-9-2001, như nguyên Tổng thống “Bush con” cáo buộc. Như vậy, “cuộc chiếm đóng Iraq của chính quyền Bush” đã làm tan rã những gì sót lại của Nhà nước Iraq, nhưng tạo ra một khoảng trống quyền lực khác để khiến Al-Qaeda phục sinh và đưa những người Shia cực đoan nhất lên nắm quyền. Sau khi người Mỹ rút, đối đầu giữa hai cộng đồng Sunni và Shia ngày càng gia tăng. Sự sụp đổ của Nhà nước Iraq khiến các chia rẽ tôn giáo càng trở nên quyết liệt, như những gì diễn ra tại Syria hay Lybia.

Do vậy, theo nhiều nhà quan sát nhận định một cách bi quan rằng: Tương lai của Iraq sẽ còn là chiến tranh.

TUYẾT MINH

.