Quan sát & Bình luận

Cú ra đòn của Nga

08:41, 11/08/2014 (GMT+7)

Sau hàng loạt các biện pháp gia tăng trừng phạt mà Mỹ và phương Tây nhắm vào Nga xung quanh vấn đề Ukraine, Mátxcơva đã trả đũa bằng việc cấm hẳn hầu hết nông sản, thực phẩm đến từ châu Âu và Mỹ.

Theo các nhà quan sát, động thái của Nga là bước đi đầu tiên trong hàng loạt các biện pháp mà nước này chống lại. Dù giải pháp này có thể làm Nga thiệt hại cả 100 tỷ euro từ nay đến hết năm 2015, nhưng Mátxcơva còn các “át chủ bài” khác mạnh mẽ hơn nhiều, đó là khí đốt và dầu khí, nhất là khi mùa đông sắp đến. Có ý kiến cho rằng, Nga sẽ không dám ngừng cung cấp khí đốt và dầu khí cho phương Tây. Ngoài ra, các biện pháp trả đũa của Nga có thể lan sang cả lĩnh vực nhập khẩu đồ điện tử, quần áo của các nhãn hiệu phương Tây, cấm visa nhập cảnh một số doanh nhân phương Tây… Thậm chí, Nga có thể đi xa hơn và Tổng thống Putin sẽ cấm các hãng hàng không phương Tây bay qua vùng Siberi…

Điều đó cho thấy, cuộc đọ sức giữa Nga với Mỹ và phương Tây sẽ không quá lâu như Chiến tranh Lạnh nhưng cũng không kết thúc quá sớm. Thậm chí, có nhà quan sát chính trị quốc tế còn nhận định: Nga sẽ tiếp tục đối đầu cho đến khi hết tiền hay trở thành một vệ tinh của Trung Quốc và biến mất khỏi bàn cờ chiến lược (?!).

Chưa rõ hết hậu quả của các biện pháp trừng phạt phương Tây lên nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, việc Nga bị cô lập đã khiến giới đầu tư rút vốn khỏi nước này (70 tỷ USD trong vòng 6 tháng đầu năm). Giao dịch trên thị trường chứng khoán Mátxcơva giảm 20% so với đầu năm, trong khi giao dịch chứng khoán của các quốc gia đang trỗi dậy khác lại gia tăng.

Nga sẽ dần cạn tiền nhưng không phải chỉ trong một sớm một chiều. Hiện tại, Ngân hàng trung ương và Chính phủ vẫn còn đủ tiền dự trữ. Ngược lại, trong 5 năm tới, khó mà hình dung được Nga sẽ thoát được kịch bản khắc khổ. Chính phủ vừa trưng dụng tiền của quỹ hưu trí cho đến năm 2015 và Nga đã bắt đầu đề cập việc tăng thuế. Dấu hiệu đó cho thấy Nga đang bên bờ vực của suy thoái kinh tế.

Vì sao Nga có những hành động quyết tâm đối đầu với Mỹ và phương Tây như vậy? Tờ Le Monde (Pháp) lý giải thú vị: “Vì Tổng thống Vladimir Putin không thể trở thành một kẻ yếu. Ông không cần biết nước ngoài nghĩ gì về ông. Điều mà ông quan tâm chính là hình ảnh của ông trước dân chúng Nga”.

Dù gì đi chăng nữa thì cú ra đòn của Nga nhằm đáp trả các hành động trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga cũng làm cả đôi bên thiệt hại. Song, vấn đề có được hóa giải sớm hay muộn thì như ông Putin đã nói, rằng thời hạn có thể thay đổi nếu Mỹ và phương Tây tỏ ra mềm dẻo hơn đối với Nga!

TUYẾT MINH

.