Quan sát & Bình luận

Hiệp hai cuộc chiến chống khủng bố

08:16, 12/09/2014 (GMT+7)

Sau sự kiện Al-Qaeda thực hiện cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng vào nước Mỹ ngày 11-9-2001, làm gần 3.000 người thiệt mạng, chính quyền của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là G.W.Bush ngay lập tức phát động cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu với mục tiêu “xóa sổ mạng lưới Al-Qaeda”.

Để hiện thực hóa cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ đã lập một liên minh quốc tế với sự tham gia của hàng chục nước, sau đó tiến hành hai cuộc chiến tranh trên quy mô lớn nhằm vào Afghanistan và Iraq.

Sau hơn 10 năm ròng rã, tiêu tốn cả ngàn tỷ USD, thiệt hại hàng vạn binh lính trên hai chiến trường Afghanistan và Iraq, nhưng cuối cùng cái “bóng ma khủng bố Al-Qaeda” vẫn lởn vởn đâu đó trên các lục địa.

Nhưng không thể kéo dài hơn nữa, Mỹ và các đồng minh buộc phải rút quân ở Afghanistan và Iraq về nước.

Song, hệ quả của cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động trong hơn 10 năm qua đã không tiêu diệt được hoàn toàn Al-Qaeda, mà lại tạo ra một thế hệ các chiến binh Hồi giáo khủng bố còn tàn bạo và tinh vi hơn gấp nhiều lần. Oái ăm thay, những chiến binh Hồi giáo đó lại hình thành trên vùng đất Trung Đông - nơi Bin Laden sinh ra, đặc biệt là ngay trên mảnh đất Iraq. Thậm chí, trong đạo quân tàn bạo của IS còn có hàng trăm tay súng đến từ Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác.

Trong nhiều tháng qua, các chiến binh Hồi giáo đã phát triển nhanh chóng, tấn công và chiếm giữ nhiều vùng đất rộng lớn ở Syria và Iraq; thực hiện các vụ tàn sát đẫm máu hàng vạn dân thường; chặt đầu, chôn sống nhiều nhà báo, binh sĩ Syria và Iraq mà chúng bắt được; đồng thời cho ra đời Nhà nước Hồi giáo (IS) cực kỳ hà khắc.

Trước nguy cơ này, Mỹ buộc phải hành động. Bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama đã vạch ra một chiến dịch mới của Mỹ.

Điểm đáng chú ý là ông Obama chỉ dùng từ “chiến dịch” mà không dùng từ “chiến tranh”, dù thực tế đó là một cuộc chiến tranh thực sự. Trong khi đó, các nhà quan sát chính trị cho rằng, thực chất đó là hiệp hai của cuộc chiến tranh chống khủng bố trên quy mô toàn cầu mà thôi.

Mặt khác, nhiều vấn đề quan trọng mà ông Obama đã lờ đi trong bài phát biểu như: ước tính chi phí tổng thể của công cuộc đối phó với IS là bao nhiêu? Lộ trình về thời gian của chiến lược này như thế nào hay đâu sẽ là thước đo cho sự thành công của các cuộc không kích nhằm vào IS? Đặc biệt, Mỹ có hợp tác với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad để tiêu diệt IS hay không?...

Các nhà quan sát chính trị cũng cho rằng, bài phát biểu lần này của ông Obama một lần nữa cho thấy Mỹ vẫn chưa có giải pháp bền vững cho Iraq. Bởi chừng nào Mỹ còn kỳ vọng vào một chính phủ đa đại diện ở Iraq có thể trụ vững trước IS thì có nghĩa Washington sẽ không thể rút khỏi Trung Đông trong nhiều năm tới.

Hiệp hai của cuộc chiến chống khủng bố đã bắt đầu. Nhưng cuộc chiến này có về đích hay lại tạo nên một hệ quả khác? Đây thực sự là câu hỏi khá hóc búa cho Tổng thống Obama và giới chức Mỹ.

TUYẾT MINH

.