Quan sát & Bình luận

Tokyo đối phó với tham vọng Bắc Kinh

07:40, 21/01/2015 (GMT+7)

Tham vọng của Trung Quốc trong việc dùng sức mạnh quân sự thâu tóm chủ quyền, đặc biệt là các vùng biển, đảo với các quốc gia có liên quan ngày càng bộc lộ rõ nét.

Phát biểu trước Quốc hội vào cuối năm 2014 khi chuẩn bị thông qua ngân sách quốc phòng, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố: “Chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của Trung Quốc” và Bắc Kinh sẽ “chuẩn bị khả năng sẵn sàng cho chiến tranh”, “xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc biển”. Đây là tuyên bố được cho là nhằm trực tiếp vào Nhật Bản, trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ngày càng gay gắt xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Để tăng cường sức mạnh quân sự, trong đó có hải quân, Trung Quốc không ngừng tăng chi phí quân sự. Báo cáo trước Quốc hội, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết huy động 808,23 tỷ nhân dân tệ (132 tỷ USD) cho ngân sách quân sự trong năm 2014. Năm 2013, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 10,7% so với năm trước đó, trong khi tỷ lệ này ở các năm 2012 và 2011 lần lượt là 11,2% và 12,7%.

Cơ quan điều tra quốc tế IHS dự báo: “Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ đạt 238,2 tỷ USD vào năm 2015, tăng gấp đôi so với năm 2011 và vượt xa chi tiêu của tất cả các nước có ngân sách quốc phòng lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cộng lại”. Nghĩa là ngân sách quốc phòng của Trung Quốc khi đó sẽ cao hơn tổng ngân sách của 8 thành viên hàng đầu của NATO (không kể Mỹ).

Một báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), có trụ sở tại London (Anh), dự đoán đến thập niên 2030, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc có thể sánh ngang với Mỹ. Còn hãng Bloomberg nhận định việc Trung Quốc tăng chi tiêu cho quân sự, nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu với trọng tâm nhằm vào yêu sách lãnh thổ đã khuấy lên căng thẳng với Nhật Bản và các nước láng giềng Đông Nam Á.

Trước những diễn biến đó, Nhật Bản buộc phải gia tăng sức mạnh quân sự để đối phó với những tham vọng của Bắc Kinh. Năm ngoái, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã thay đổi diễn giải hiến pháp hòa bình, cho phép quân đội Nhật Bản bảo vệ các nước đồng minh. Ngoài ra, chính quyền của Thủ tướng Abe sẽ thông qua hiến chương mới về việc cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho nước ngoài. Nhật Bản bắt đầu cung cấp ODA cho các nước đang phát triển cách đây khoảng 60 năm và chưa bao giờ viện trợ cho mục đích quân sự.

Ngày 14-1 vừa qua, Nhật Bản đã loan báo một ngân sách quốc phòng mới cho tài khóa 2015-2016 (khoảng 42 tỷ USD), được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử nước này từ trước đến nay. Ngân sách đó này cũng được cho là nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Thực tế, từ cuối năm 2013, chính phủ Abe đã quyết định dành khoảng 24.700 tỷ yen trong 5 năm để mua vũ khí, thiết bị quốc phòng, máy bay không người lái, chiến đấu cơ, tàu ngầm, xe lội nước tấn công nhằm phục vụ mục tiêu chuyển hướng chiến lược về phía nam và phía tây. Bộ Quốc phòng cũng có kế hoạch mua thêm 30 xe lội nước tấn công để trang bị cho thủy quân lục chiến Nhật. Đây là đơn vị chủ lực có nhiệm vụ bảo vệ các hòn đảo xa xôi hẻo lánh, có nguy cơ bị Trung Quốc đánh chiếm.

Ngân sách quốc phòng Nhật Bản được tăng cường còn nhằm nhiều mục tiêu khác, nhưng rõ ràng là việc đối phó với Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu.

Có thể nói, kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Thủ tướng Abe đã đảo ngược xu hướng giảm của ngân sách quốc phòng Nhật Bản trong suốt 11 năm trước. Tokyo cho rằng, tăng ngân sách quốc phòng là điều cần thiết để “bảo vệ không phận, hải phận và lãnh thổ” cũng như vị thế của quốc gia này ở tầm khu vực và quốc tế.

Nói cách khác, Nhật Bản đang tạo ra sự đối trọng với Trung Quốc, chí ít về mặt quân sự khi Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự, nhất là hải quân, để gây hấn với các nước láng giềng hoặc tiến hành chiếm đoạt các vùng biển, đảo ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

TUYẾT MINH

.