Quan sát & Bình luận

Sự chuyển hướng đột ngột của Nhật Bản

07:51, 21/05/2015 (GMT+7)

Giữa tháng 5 này, liên minh cầm quyền ở Nhật Bản gồm hai đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe và Công minh đã tổ chức cuộc họp đánh giá về Luật bảo đảm an ninh, trong đó đề cập nhiệm vụ mới của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) về việc sử dụng quyền phòng vệ tập thể. Hai bên đã nhất trí sẽ đệ trình lên Quốc hội thông qua ngay trong khóa họp sắp tới.

Trong dự luật, Chính phủ Nhật Bản xác định 3 tiêu chuẩn cho phép nước này được quyền sử dụng lực lượng vũ trang ở nước ngoài gồm: xuất hiện nguy hiểm rõ ràng đe dọa vị thế quốc gia; không còn biện pháp thích hợp nào khác; và sử dụng ở mức độ hạn chế nhất.

Đây được xem là dự luật gây tranh cãi lớn trên chính trường Nhật Bản và là mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Bởi lẽ, dự luật là sự chuyển hướng đột ngột khỏi nền chính trị thời hậu chiến, vốn được nêu trong Điều 9 của Hiến pháp Nhật, giới hạn việc sử dụng sức mạnh quân sự chỉ trong phạm vi bảo vệ dân chúng và lãnh thổ nước này.

Câu hỏi được đặt ra là vì sao Nhật Bản phải thay đổi vai trò của quân đội ở nước ngoài trong thời điểm hiện nay?

Điều có thể thấy rõ nhất là cùng với sự chuyển hướng chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, sự thay đổi nói trên sẽ mang lại cho Nhật Bản quyền hạn lớn hơn trong việc tăng cường hợp tác quân sự với Washington để đối phó với những thách thức mới nổi lên. Washington cũng luôn khuyến khích Tokyo điều này như một phần của việc sửa đổi “Những hướng dẫn quốc phòng chung Nhật - Mỹ”, vốn không thay đổi từ năm 1997.

Đồng thời, dự luật sẽ mở ra cánh cửa tiềm tàng cho sự hợp tác quốc phòng tích cực hơn giữa Nhật với các quốc gia khác ở châu Á - Thái Bình Dương, chẳng hạn như với Úc và Philippines… Chính phủ của Thủ tướng Abe xem sự thay đổi này là bước đi quan trọng giúp Nhật gia tăng khả năng phòng vệ tập thể, đối phó với những mối đe dọa từ sự lớn mạnh của Trung Quốc, trong đó nổi lên là tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông.

Mặt khác, chính phủ của ông Abe xem sự thay đổi trong chính sách quốc phòng có thể làm tăng nhận thức rằng, Nhật Bản giờ đây đã trở thành một nước “bình thường” hơn về khả năng đóng góp cho hòa bình, an ninh của khu vực và toàn cầu. Hơn thế, lợi ích về chính trị và ngoại giao từ sự thay đổi như vậy sẽ rất lớn, có thể góp sức cho nỗ lực lâu nay của Nhật Bản nhằm có được một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời tăng sức mạnh cho chiến lược mới đây của ông Abe về việc “tiên phong đóng góp cho hòa bình”.

Song, sự thay đổi đó cũng làm dư luận Nhật Bản có những chia rẽ nhất định. Người dân xứ sở hoa anh đào chưa sẵn sàng cho việc quân đội tham gia các hoạt động quân sự ở nước ngoài; hay nói cách khác, chưa thể giải quyết được vấn đề nhận dạng chính trị thời hậu chiến của Nhật Bản.

Ngoài sự ủng hộ của Mỹ và các quốc gia khác về vai trò mới của SDF, sự chuyển hướng này có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Hàn Quốc, đặc biệt làm trầm trọng hơn những bất đồng về chính trị và lãnh thổ với Trung Quốc. Chưa hết bực tức trước việc Mỹ “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương, nay nếu lực lượng Hải quân Nhật không còn giới hạn ở biển Hoa Đông, “giấc mơ Trung Hoa” có vẻ còn gặp nhiều trắc trở trong thời gian tới.

TUYẾT MINH

.