Quan sát & Bình luận
Tác động xấu cả chính trị lẫn kinh tế
Vụ tấn công khủng bố bằng bom tại đền Erawan ở trung tâm Bangkok vào tối 17-8 làm các nhà quan sát ngạc nhiên, bởi tầm cỡ, mức độ tàn bạo và thời điểm được chọn. Quả bom nặng đến 3kg phát nổ gần hàng rào bên ngoài của ngôi đền được xây dựng từ năm 1956.
Đâu là nguyên nhân và ai đứng sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng này. Vụ việc nhằm vào mục tiêu chính trị hay kinh tế, hay cả hai?
Có hai tổ chức bị chính phủ Thái Lan nghi ngờ là thủ phạm. Trước hết là phiến quân Hồi giáo ở miền nam Thái Lan, vẫn chiến đấu chống Bangkok từ nhiều năm nay để giành quyền tự trị rộng rãi hơn. Thứ hai là phong trào áo đỏ - những người ủng hộ Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.
Hãng tin RFI dẫn lời Thủ tướng Prayuth Chan-ocha xem đây là “vụ tấn công nghiêm trọng nhất từ trước đến nay” tại Thái Lan, “nhắm trực tiếp vào những người vô tội”. Ông cho hay, cảnh sát Thái Lan đang điều tra về những bài viết của “nhóm chống tập đoàn quân phiệt” tại miền bắc Thái Lan - vốn là cứ địa của phe áo đỏ. Những bài viết này đăng trên Facebook báo động một nguy cơ sắp xảy ra trước khi có vụ nổ bom.
Cũng theo ông Chan-ocha, cảnh sát đã xác định một nghi can nhờ các hình ảnh ghi được từ rất nhiều camera giám sát ở Bangkok. Nghi can này dường như là người gốc đông bắc Thái Lan và là thành viên của một tổ chức chống lại chính quyền quân sự.
Theo ông Zachary Abuza, chuyên gia về phong trào nổi dậy ở miền nam Thái Lan, cần thận trọng trước những cáo buộc của chính phủ vì chưa thể loại trừ bất cứ ai khỏi danh sách nghi can. Ông Abuza lưu ý, vụ nổ bom ngày 17-8 không giống bất cứ phương thức hành động nào của phiến quân Hồi giáo cũng như của phe áo đỏ. Ông Abuza cho rằng, dù phe áo đỏ quyết tâm lật đổ chính phủ quân sự nhưng họ cũng không thể đánh vào một thánh địa như đền Erawan, vì làm như thế thì họ sẽ mất rất nhiều người ủng hộ.
Nhà chính trị học Pavin Chachavalpongpun nhấn mạnh: Phe áo đỏ không bao giờ tấn công một ngôi đền thờ thần Hindou Brahma, thu hút hàng ngàn tín đồ Phật giáo đến mỗi ngày, trong một quốc gia mê tín và tin vào kiếp luân hồi. Ông Chachavalpongpun cũng không tin vụ tấn công có động cơ chính trị nội bộ Thái Lan.
Một số nhà phân tích chính trị khác đưa ra giả thuyết: Vụ tấn công bằng bom vào ngôi đền có đông du khách Trung Quốc chính là nhắm đến Bắc Kinh, để phản đối việc Thái Lan trục xuất cả trăm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc. Sau vụ trục xuất này, nhiều cuộc biểu tình bạo động đã nổ ra ở Ankara và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để lên án chính sách hà khắc của Bắc Kinh đối với thiểu số Hồi giáo nói tiếng Thổ này.
Nhiều nhà phân tích sợ vụ nổ bom gây tác hại cho ngành du lịch Thái Lan hơn tất cả những lần xáo trộn trước đây, bởi chưa bao giờ Thái Lan bị tấn công khủng bố bằng bom nặng nề như vậy và hiếm khi người nước ngoài là đối tượng bị tấn công ở quốc gia Đông Nam Á này.
Ở khía cạnh khác, hiện nay, du khách từ Trung Quốc đến Thái Lan chiếm số đông nhất so với công dân từ các nước khác, với 4 triệu người chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015. Khi tham quan Bangkok, rất nhiều khách Trung Quốc viếng đền Erawan, nên trong vụ nổ vừa qua, việc có đến 6 người Trung Quốc thiệt mạng và 22 công dân khác của nước này bị thương sẽ tác động rất lớn.
Chính quyền Bangkok đã hy vọng rằng, vào tháng 10 tới, lượng du khách Trung Quốc sẽ tăng vọt trong dịp lễ Quốc khánh của nước này, nhưng sau vụ nổ bom, hy vọng này chắc chắn không trở thành hiện thực. Mặt khác, không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác đã khuyên công dân của họ hết sức cảnh giác khi đến Bangkok. Hong Kong thậm chí khuyến cáo công dân của đặc khu này đừng nên đến Bangkok nếu không thật sự cần thiết.
Dù ở góc độ chính trị hay kinh tế và nhóm nào thực hiện vụ tấn công khủng bố đi chăng nữa thì cũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho Thái Lan trên cả hai phương diện. Thái Lan từng trải qua nhiều giai đoạn xáo trộn với các cuộc đảo chính liên tiếp, các cuộc biểu tình rầm rộ, các vụ bạo động, kể cả chiếm đóng sân bay. Hậu quả về chính trị và kinh tế sau mỗi lần như vậy đều rất nặng nề, phải mất một thời gian dài mới ổn định trở lại.
TUYẾT MINH