Quan sát & Bình luận
Phi hạt nhân hóa đang bị thách thức
Mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên của Liên Hợp Quốc (LHQ) tiếp tục bị thách thức nghiêm trọng khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom hydro (bom H) ở gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Vụ thử gây ra dư chấn, mà Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho rằng nó như trận động đất mạnh có cường độ 5,1 độ Richter.
Đây là lần thứ tư CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân mặc dù cộng đồng quốc tế đã lên án và yêu cầu nước này chấm dứt chương trình hạt nhân, nhằm đi tới các thỏa thuận căn bản để phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Cách đây gần một tháng, trong chuyến thăm khu di tích cách mạng Phyongchon ở thủ đô Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố CHDCND Triều Tiên đang trở thành “một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hùng mạnh, sẵn sàng kích nổ các quả bom nguyên tử và bom H tự sản xuất để bảo vệ vững chắc chủ quyền và phẩm giá quốc gia”.
Ngay sau tuyên bố này, giới chuyên gia nước ngoài chưa chắc chắn về khả năng CHDCND Triều Tiên đã phát triển một quả bom H. Chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở bang California (Mỹ) cho rằng, tại thời điểm đó, không chắc chắn CHDCND Triều Tiên đã có bom H.
Theo chuyên gia hạt nhân David Albright, người đứng đầu Viện An ninh quốc tế và khoa học ở Washington, trong vài năm trở lại đây đã xuất hiện những quan ngại Triều Tiên đang phát triển vũ khí nhiệt hạch. Song, theo ông, để phát triển một thiết bị như vậy đòi hỏi các vụ thử hạt nhân lớn hơn so với những vụ thử mà Triều Tiên từng tiến hành.
Còn người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 10-12-2015 cho rằng, thông tin về việc CHDCND Triều Tiên đã phát triển được một quả bom nhiệt hạch là “thật sự đáng ngờ”. Ngay một quan chức thuộc Cơ quan Tình báo Hàn Quốc được hãng Yonhap dẫn lời cũng cho biết hiện chưa có bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng có khả năng chế tạo bom H.
Thế nhưng, vụ thử bom H vào sáng 6-1 đã làm cộng đồng quốc tế hết sức bất ngờ và bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, vì đó sẽ là nguyên nhân làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Động thái của CHDCND Triều Tiên vấp phải hàng loạt chỉ trích gay gắt. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, sẽ có phản ứng kiên quyết với CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động cao và đang tăng cường giám sát CHDCND Triều Tiên. Từ bên kia đại dương, Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết đối với quốc tế…
Chưa rõ biện pháp mà các nước đáp trả đối với Bình Nhưỡng như thế nào. Song, rõ ràng vụ thử bom H của Bình Nhưỡng ngay trong những ngày đầu năm 2016 sẽ làm mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên mà LHQ đặt ra càng trở nên xa vời. Mặt khác, việc khôi phục tiến trình đàm phán 6 bên sẽ tiếp tục rơi vào bế tắc mặc dù các nước liên quan đang thúc giục nối lại tiến trình đàm phán đầy khó khăn này.
TUYẾT MINH