Cách đây hơn 10 năm, khi lên tiếng phát động cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu, Tổng thống Mỹ G.W.Bush không ngần ngại khi đưa ra nhận định về “trục ma quỷ” đang đe dọa nước Mỹ và thế giới về “vấn đề hạt nhân” đó là: Cộng hòa DCND Triều Tiên - Iran - Iraq.
Để ngăn chặn tham vọng của Iraq về vũ khí hủy diệt, dưới danh nghĩa chống khủng bố, trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ G.W.Bush đã phát động cuộc chiến tranh nhằm vào quốc gia này năm 2003. Tuy nhiên, suốt cả hai nhiệm kỳ, dưới sự chỉ đạo của G.W.Bush, quân đội Mỹ đã không tìm kiếm được chứng cứ nào về vũ khí hạt nhân của chính quyền Saddam Hussein.
Hệ quả của cuộc chiến tranh này là tạo ra một thế hệ khủng bố mới tàn bạo và tinh vi hơn mà cho đến nay, nước Mỹ vẫn còn can dự tại Iraq để giải quyết.
Đối với Iran, dưới thời chính quyền của Tổng thống Obama, với sự can dự đắc lực của Nga và cường quốc khác trong Nhóm P5+1, đã hóa giải thành công vấn đề hạt nhân của nước này năm 2015. Đến nay, Iran đã từng bước hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế, tuy vẫn còn biện pháp trừng phạt có giới hạn mà Mỹ áp đặt, nhất là trong vấn đề tên lửa tầm xa.
Giải quyết được vấn đề hạt nhân đầy gai góc của Iran không phải bằng súng đạn là một thành công lớn của chính quyền Obama. Nó cũng giúp Nhà Trắng nhanh chóng hóa giải mối quan hệ với Cuba sau gần 50 năm thù địch.
Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên lại là một thử thách vô cùng to lớn, kéo dài từ thời Tổng thống Bill Clinton đến nay. Có lúc, tưởng chừng như được giải quyết khi Triều Tiên đồng ý tiến hành phá bỏ lò phản ứng hạt nhân để đổi lấy viện trợ.
Nhưng rồi sau đó không lâu, các cam kết quốc tế đã bị Bình Nhưỡng đơn phương ngừng thực hiện, đồng thời cho khôi phục lại lò phản ứng hạt nhân đã bị hủy bỏ và thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình hạt nhân khác.
Đáng chú ý, vài năm trở lại đây, Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo, vệ tinh, cho nổ thử hạt nhân với cường độ cao mà các nghị quyết của LHQ đã cấm. Đồng thời, Bình Nhưỡng còn tuyên bố đã làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và nâng tầm bắn tên lửa đạn đạo xa hàng vạn cây số có thể đi sâu vào nước Mỹ…
Những động thái đó của Bình Nhưỡng không thể không làm cho cộng đồng quốc tế và Washington lo ngại.
Trong nhiều giải pháp phòng vệ mà Mỹ triển khai rất có thể làm cho Trung Quốc và Nga không hài lòng. Đồng thời Mỹ cũng đang thúc đẩy Trung Quốc bằng ảnh hưởng của mình gây sức ép lên Triều Tiên. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhận định: “Nếu Trung Quốc không đưa ra đảm bảo, Mỹ sẽ thực hiện thêm các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia và cho các đối tác cùng đồng minh. Điều tốt nhất họ có thể làm vào lúc này là cùng với chúng tôi giải quyết mối đe dọa từ Triều Tiên”.
Đòn bẩy mà Thứ trưởng Antony Blinken nêu ra đối với Trung Quốc là kinh tế chứ không phải chính trị như trước đây. Đúng như ông Dương Hy Vũ thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc cách đây không lâu khi trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, nói: “So với trước đây, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên rõ ràng là lạnh nhạt. Nói một cách đơn giản, lý do của tình trạng này là vấn đề hạt nhân”.
Ở một khía cạnh khác, một số nhà phân tích cho rằng, ban lãnh đạo Trung Quốc chưa gây đủ áp lực để Triều Tiên từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân vì việc này có thể đe dọa đến lợi ích an ninh của chính Trung Quốc.
Rõ ràng đây là bài toán khó cho chính quyền Mỹ khi xử lý vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Phương thức như Iran, là đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã triển khai được một thời gian rồi chìm vào im lặng, đến nay muốn khôi phục trở lại vẫn chưa được.
Còn cách gây sức ép như trên đã nói xem ra có vẻ “chưa đủ đô” vì nhân tố Trung Quốc vẫn còn lưỡng lự. Sắp tới đây, bên lề hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân toàn cầu sắp diễn ra ở Washington sẽ có cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà nội dung được dự đoán là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Liệu Mỹ - Trung có tìm ra tiếng nói chung để hóa giải vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng trên thực tế, dù khó đến mấy, Mỹ cũng không thể không áp dụng ngay các biện pháp tự vệ, kể cả tình huống xấu nhất, đảm bảo an ninh quốc gia và cho các đối tác cùng đồng minh.
Quả thực là bài toán khó không chỉ cho Mỹ mà cho cả các bên có liên quan xung quanh vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Tuyết Minh