Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, cả châu Âu đã đứng dậy trên đống hoang tàn để xây dựng lại các thành phố, làng mạc và khôi phục cuộc sống cho hàng trăm triệu người dân.
Tuy phải đối diện với Chiến tranh Lạnh ngay sau đó cùng một số sự kiện khác xảy ra, nhưng châu Âu vẫn phồn thịnh, bình an sau gần 50 năm xây dựng và phát triển.
Thế nhưng, châu Âu đang ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức vô cùng nghiêm trọng. Khác với Mỹ, một nét đặc trưng là châu Âu có mối liền kề với hai châu lục là châu Phi và châu Á, nơi chủ nghĩa khủng bố, nhất là Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phát triển mạnh, đã biến “lục địa già” này thành mảnh đất màu mỡ cho chúng phát triển lực lượng, đào tạo phương thức hoạt động và tiến hành các cuộc tấn công khủng bố.
Những năm trước đây, Anh hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố trên quy mô lớn nhằm vào thủ đô London và một số thành phố khác, gây nhiều thương vong cho dân thường, đe dọa an ninh của nơi được cho là rất an toàn của châu Âu.
Tiếp theo Anh là Pháp, mấy năm qua, nhất là năm 2015, phải hứng chịu hàng loạt cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng do IS thực hiện ngay tại thủ đô Paris làm hàng trăm người chết và bị thương. Các cuộc tấn công khủng bố cho thấy một châu Âu bất an đã trở nên phổ biến, gây lo ngại, thậm chí gây hoang mang, hoảng sợ cho người dân vốn có cuộc sống thanh bình trong nhiều thập niên qua. Đồng thời, các cuộc tấn công cũng khiến Liên minh châu Âu (EU) phải huy động tối đa lực lượng để đối phó, ngăn chặn các phần tử khủng bố.
Sau chiến dịch truy lùng suốt 4 tháng qua, Salah Abdeslam - nghi phạm hàng đầu trong loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris hồi tháng 11 năm ngoái khiến 130 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương - đã bị bắt tại một căn hộ thuộc quận Molenbeek ở thủ đô Brussels tối 18-3.
Dường như để trả đũa, IS đã tiến hành hàng loạt các vụ tấn công khủng bố bằng bom vào ngày 22-3 tại Brussels, thủ đô của Bỉ, trái tim của EU, làm ít nhất 34 người chết, 198 người khác bị thương. Vụ việc làm dấy lên lo ngại về an ninh của cả EU.
Thực tế cho thấy, trong mấy thập niên qua, EU đã buông lỏng kiểm soát, ngăn chặn các tư tưởng cực đoan ngày càng có xu hướng lan rộng trong cộng đồng dân cư. Đấy là mảnh đất, là cơ hội cho cả Al-Qaeda lẫn IS phát triển mạng lưới, tuyển các chiến binh và huy động các nguồn tài trợ.
Theo một số nguồn tin, nhiều vùng ở Bỉ đã bị chi phối bởi tư tưởng thánh chiến cực đoan. Bỉ là nước có nhiều công dân nhất đang chiến đấu sát cánh IS tại Syria. Các chuyên gia cho hay, gần 500 nam, nữ đã rời Bỉ để đến Syria và Iraq kể từ năm 2012. Cùng lúc, hơn 100 người Bỉ đã hồi hương, nhiều người trong số này đã bị bắt ngay lập tức.
Không những Bỉ mà nhiều nước châu Âu khác như Pháp, Đức, Anh… cũng có các công dân ra nước ngoài tham gia IS. Đây là lực lượng trước mắt và lâu dài làm cả châu Âu trở nên bất an, bởi các cuộc tấn khủng bố mang dấu ấn IS kiểu “Paris”.
Mặt khác, với hàng triệu người từ các nước Trung Đông, Bắc Phi, đặc biệt là từ Afghanistan, Syria, Iraq, Lybia… tràn vào châu Âu trong thời gian qua, sẽ có không ít các phần tử IS trà trộn, xâm nhập để tạo vỏ bọc hoạt động lâu dài.
Nhằm đối phó với những biến cố vừa xảy ra, không để các vụ tấn công tương tự, EU đã có hàng loạt các cuộc họp cấp bộ trưởng và cấp cao. Trong đó, nổi lên một số giải pháp như: ngừng thực hiện hiệp định đi lại tự do các nước thuộc EU; kiểm tra, giám sát người nhập cư và các công dân nước mình đã tham gia IS và số đã trở về nước; thành lập lực lượng phản ứng nhanh về an ninh nhập cư; siết chặt kiểm tra, giám sát ở nhiều khu vực, nhất là sân bay, tàu điện ngầm, nơi công cộng...
Những diễn biến ở Pháp hay ở Bỉ mới đây cho thấy EU không chỉ đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế suốt mấy năm qua chưa phục hồi hoàn toàn, mà nay phải dốc sức để giải quyết làn sóng nhập cư và các cuộc tấn khủng bố mang tên IS. Đây thực sự là gánh nặng đang đè lên “lục địa già”.
TUYẾT MINH