Quan sát & Bình luận

Hành động đi ngược với tuyên bố mỹ miều

08:16, 21/04/2016 (GMT+7)

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn một báo cáo của Nhà Trắng đệ trình lên Quốc hội Mỹ ngày 12-4 vừa qua cho biết, từ cuối năm 2013 đến tháng 10-2015, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 12km2 đất đai trên 7 thực thể địa lý mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Trường Sa (thuộc Việt Nam). Trung Quốc còn đắp đất cát lên khoảng 13km2 diện tích các bãi đá, phá hủy các rạn san hô bên dưới.

Nhiều nước đã lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc bồi lấp các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép của Việt Nam, xây dựng các công trình quân sự và đang có những bước đi quân sự hóa ở khu vực Biển Đông. Song, Bộ Ngoại giao và người phát ngôn Trung Quốc liên tục đưa ra những lời nói mĩ miều: “Trung Quốc không quân sự hóa”, “các công trình xây dựng nhằm cứu nạn, cứu hộ”, “không gây cản trở an ninh hàng không, hàng hải”… và luôn có thiện chí để “giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình” với các quốc gia liên quan (?!).

Thế nhưng, thực tế, Trung Quốc luôn có những hành động ngược lại, làm phức tạp thêm tình hình, thách thức các quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông, đẩy mạnh quân sự hóa và có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang.

Đáng chú ý là nhật báo Giải phóng quân (PLA Daily) của Trung Quốc số ra ngày 17-4 đưa tin: Các hạm đội của nước này ở Biển Đông đã tiến hành tập trận mô phỏng các điều kiện tác chiến thực tế để tăng hiệu quả chiến đấu. Trước đó, các hạm đội này đã tập trận mô phỏng tác chiến trong mọi thời tiết, huấn luyện tác chiến ngoài tầm nhìn, cũng như các bài bay thấp, tốc độ cao để luyện phi công.

PLA Daily còn cho biết thêm, sẽ có những bài tập tấn công trên biển trong vòng 24 giờ liên tục, tập phòng thủ không phận ở một độ cao tối thiểu cũng như các chiến thuật quân sự khác. Bên cạnh đó, cũng sẽ có những bài tập phối hợp tác chiến với các đơn vị quân đội khác như lực lượng phụ trách cảnh báo sớm trên không, chiến hạm trên biển và các hệ thống phòng không trên bờ.

Tiếp đó, trang nhất PLA Daily số ra ngày 18-4 cho biết, một ngày trước đó, quân đội Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng đường băng có chiều dài 3.000m trên đá Chữ Thập, cụ thể là một máy bay quân sự Trung Quốc đang tuần tra trên Biển Đông thì nhận được tin nhắn khẩn cấp yêu cầu đáp xuống bãi đá Chữ Thập để sơ tán ba công nhân bị bệnh nặng, nhưng thực chất là các chuyến bay tập cho máy bay quân sự.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho rằng, thật “khó hiểu” là tại sao Trung Quốc phải sử dụng một máy bay quân sự để tiến hành sơ tán.

Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Gary Ross kêu gọi Trung Quốc làm rõ các ý định của mình. Ông nói: “Chúng tôi thúc giục Trung Quốc tái khẳng định rằng, họ không có kế hoạch triển khai hay luân chuyển các máy bay quân sự tại các tiền đồn của mình ở quần đảo Trường Sa, đúng như những cam đoan trước đó của Bắc Kinh”. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hãy làm rõ những tuyên bố của mình phù hợp với luật pháp quốc tế và “tránh những hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng”.

Đường băng 3.000m trên đá Chữ Thập đủ dài để máy bay ném bom, vận tải hay máy bay quân sự của Trung Quốc sử dụng. Đây là bằng chứng cho thấy sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong vùng Biển Đông này càng rõ nét.

Một điều đáng chú ý nữa là cùng với các hành động quân sự nói trên, cũng trong thời gian này, nhân vật đứng thứ hai trong quân đội Trung Quốc là Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (chỉ đứng sau Tập Cận Bình), đã có chuyến thị sát các công trình mà Bắc Kinh đang xây dựng tại quần đảo Trường Sa.

Đặc biệt, gần đây, cơ quan tình báo Mỹ xác nhận Trung Quốc đã gấp rút lên kế hoạch “ra đòn phủ đầu” cho một giai đoạn quân sự mới liên quan đến bãi cạn Scarborough ở Trường Sa. Cơ quan tình báo và các cơ quan phân tích Úc cũng cho rằng, Trung Quốc sẵn sàng có “hành động quyết định và khiêu khích” ở Trường Sa và biến bãi cạn Scarborough thành “đảo nhân tạo” khổng lồ để xây dựng trên đó căn cứ quân sự hoặc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông, giảng dạy tại Học viện Quốc phòng Úc phân tích: Nếu “quyết định khiêu khích” bằng cách củng cố vị thế của mình trên bãi cạn Scarborough, Trung Quốc sẽ tìm cách tạo ra một “việc đã rồi” đối với Tòa án trọng tài thường trực (PCA) mà Philippines đang tiến hành vụ kiện, vì PCA không có quyền lực thực thi phán quyết của mình. Hành động “đánh đòn phủ đầu” của Trung Quốc có khả năng sẽ làm hỏng bất kỳ hành động phối hợp nào của cộng đồng quốc tế nhằm gây áp lực ngoại giao buộc Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế bằng cách chấp nhận phán quyết của của Tòa án trọng tài thường trực ở The Hague. Lúc ấy, luật pháp quốc tế sẽ bị gạt ra rìa bởi giai đoạn quân sự hóa mới nhất của Trung Quốc đã hoàn tất.

Những động thái đó cho thấy, Bắc Kinh luôn có những hành động đi ngược lại với những gì mà họ thường tuyên bố bằng những ngôn từ mĩ miều để đánh đánh lừa dư luận. Nhưng kỳ thực, họ luôn gây mất lòng tin đối với cộng đồng quốc tế, nhất là các nước có liên quan trong tranh chấp ở Biển Đông.
Bởi vậy, vấn đề đặt ra cho cộng đồng quốc tế, nhất là các nước trong khu vực phải nêu cao cảnh giác, không ngừng đấu tranh ngăn chặn những mưu toan thâm độc của Bắc Kinh trong chiến lược độc chiếm toàn bộ Biển Đông.

TUYẾT MINH

.