Quan sát & Bình luận
Trung Quốc cũng lo
Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc) diễn ra trong hai ngày 4 và 5-9 sẽ có sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những ngày qua, truyền thông Nhà nước Trung Quốc bình luận rộng rãi về vai trò của nước này rằng, hội nghị G20 là dịp để Bắc Kinh cho thấy vai trò lãnh đạo trong việc uốn nắn các quy tắc điều hành thế giới và củng cố đà tăng trưởng toàn cầu bền vững. Tờ Nhân Dân nhật báo còn mạnh miệng rằng, đây sẽ là một trong những hội nghị G20 hiệu quả nhất trong tất cả các hội nghị G20 từ trước đến nay (!?).
Tuy nhiên, nhiều tờ báo ở Mỹ và Anh có các bài viết cho rằng, phương Tây đã cố loại trừ một Trung Quốc đang vươn lên và phủ nhận tiếng nói của quốc gia này với những với những mô hình như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu.
Đặc biệt, hai cú sốc vừa xảy ra đang làm Bắc Kinh tức giận trước những nghi vấn mà Anh và Úc nêu lên liên quan đến các khoản đầu tư chiến lược của Trung Quốc vào hai quốc gia này. Đó là vụ Úc đã ngăn chặn một thương vụ trị giá khoảng 7,7 tỷ USD khi không bán cho Trung Quốc tập đoàn năng lượng lớn nhất của nước này. Còn công việc đầu tiên sau khi nhậm chức của tân Thủ tướng Anh Theresa May là đình chỉ kế hoạch đầu tư 24 tỷ USD của Trung Quốc đối với một đề án điện hạt nhân.
Tất cả những dấu hiệu trên cho thấy, không phải cái gì cũng thuận buồm xuôi gió ở hội nghị G20. Một nhà ngoại giao phương Tây đánh giá: “Trung Quốc hiện đang giận hầu như tất cả mọi người”.
Các nhà quan sát cho rằng, chắc chắn Trung Quốc sẽ muốn hội nghị G20 diễn ra êm ả vì “đấy là vấn đề thể diện quốc gia”. Nhưng cũng không phải là điều bất thường khi hội nghị G20 bị các chủ đề ngoài kinh tế bao phủ. Cho nên, đấy là “một bãi mìn đối với Trung Quốc” khi buộc phải lo toan chống chọi ngay trước thềm hội nghị.
Một trong những vấn đề gai góc mà Bắc Kinh phải đối diện là phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở ở The Hague (Hà Lan) về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như những tác nhân của Bắc Kinh đang đẩy khu vực này trở nên căng thẳng, đe dọa hòa bình và an ninh hàng hải, hàng không.
Đáng chú ý là Bắc Kinh đã không giấu nỗi lo khi yêu cầu Tokyo đóng vai trò “xây dựng” tại hội nghị thượng đỉnh G20. Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách ngoại giao của Trung Quốc, đã đưa ra yêu cầu này với Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi khi công du Trung Quốc rằng: “Hướng cải thiện quan hệ Trung - Nhật đã liên tục bị những vấn đề khác nhau khuấy động, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Biển Hoa Đông và Biển Đông” và “điều đó không có lợi cho bất cứ bên nào” (?!).
Trước đó, một chuyên gia Viện Nghiên cứu quốc tế, được Bộ Ngoại giao Trung Quốc bảo trợ, đã viết trên tờ Hoàn Cầu thời báo rằng, càng gần đến hội nghị G20 thì “Nhật gây rối ở Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông, hỗ trợ Philippines và thúc giục Trung Quốc tôn trọng kết quả cái gọi là ‘thủ tục trọng tài”.
Theo các nhà quan sát, những biểu hiện nói trên từ phía Trung Quốc mang ý nghĩa lời cảnh cáo Nhật Bản rằng, không nên nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông ra hội nghị G20.
Để tác động hữu hiệu hơn, Trung Quốc rất muốn tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 để bàn cách cải thiện quan hệ song phương.
Trong khi đó, Ấn Độ được cho là cũng sẽ lên tiếng về phán quyết của PCA cũng như những leo thang nguy hiểm ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ngày 12-8 vừa qua, trong chuyến công du Ấn Độ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh cáo, việc New Delhi dấn thân vào Biển Đông sẽ gây tổn hại quan hệ với Trung Quốc và tạo ra những trở ngại cho doanh nhân Ấn Độ đang muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc. Ngoại trưởng Vương Nghị cố gắng tác động sao cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đừng “bắt tay” với một số nước khác để nêu vấn đề Biển Đông trước hội nghị thượng đỉnh G20.
Vậy còn Mỹ thì sao? Tổng thống Barack Obama sẽ đến Trung Quốc vào trưa 2-9, sau đó sẽ có cuộc hội đàm song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 3-9, sớm hơn dự định một ngày. Tờ Japan Today dẫn lời ông Ben Rhodes, phát ngôn viên Nhà Trắng, nói rằng trong cuộc hội đàm, ông Tập Cận Bình và ông Obama sẽ đề cập một loạt vấn đề như tình hình kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, hiệp định hạt nhân Iran cũng như một loạt vấn đề gai góc, bao gồm: tình hình bán đảo Triều Tiên, an ninh mạng, nhân quyền và đương nhiên gồm cả vấn đề hàng hải…
Rõ ràng, Trung Quốc muốn xem hội nghị G20 là dịp để làm nổi bật vai trò của mình trong việc thảo ra một chiến lược sâu rộng hơn thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng, nhiều khả năng các cuộc hội đàm sẽ bị phủ bóng bởi nhiều vấn đề khác, trong đó có tranh chấp lãnh thổ.
TUYẾT MINH