Quan sát & Bình luận

EU tự cứu mình

08:18, 01/12/2016 (GMT+7)

Thế chiến thứ hai kết thúc và ngay sau đó diễn ra cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài đến những năm đầu 90 của thế kỷ trước, châu Âu - chủ yếu là Liên minh châu Âu (EU) nằm trong sự che chắn của Mỹ thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đến nay, khi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc hơn 20 năm nhưng NATO do Mỹ đứng đầu vẫn là sự bảo hộ duy nhất về quân sự để EU có thể chống chọi các mối đe dọa bên ngoài khu vực.

Thế nhưng, diễn biến tình hình thế giới có những thay đổi nhanh chóng, nhất là khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đưa ra những tuyên bố về chính sách đối ngoại mới, trong đó “nước Mỹ là trên hết” và cho rằng châu Âu đã quá dựa dẫm vào Mỹ trong NATO và cần buộc các thành viên châu Âu trong NATO chi nhiều tiền hơn, cũng như Washington sẽ chỉ bảo vệ “có điều kiện” các đồng minh hoàn thành nghĩa vụ về tài chính.

Đây thực sự là bài toán vô cùng khó nhưng EU không thể không hành động khi người bạn Mỹ quyết định thay đổi chính sách. Có nhiều vấn đề đặt ra cho EU: các mối đe dọa an ninh đang gia tăng nhanh chóng, nhất là khủng bố; tăng hay không tăng chi phí đóng góp để giảm gánh nặng cho Mỹ trong NATO; có thành lập quân đội riêng hay không; và NATO tồn tại hay không tồn tại…

Trong khuôn khổ cuộc họp Hội đồng Đối ngoại EU ngày 14-11 vừa qua, các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng 28 nước thành viên đã có phiên họp chung, thông qua kế hoạch triển khai các biện pháp tăng cường khả năng an ninh và quốc phòng của EU. Kế hoạch gồm 3 nội dung chính: cho phép EU hành động toàn diện hơn, nhanh chóng và quyết đoán hơn trong khủng hoảng; củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh cho các đối tác; tăng cường khả năng bảo vệ công dân của EU. Các biện pháp này được trông đợi sẽ giúp EU và các quốc gia thành viên bảo đảm nhu cầu an ninh quốc phòng trong hiện tại và tương lai.

Về việc gia tăng đóng góp, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đánh giá: “Chiến lược tự chủ của châu Âu phải được xây dựng dù Tổng thống Mỹ là ai. Người ta không thể làm điều đó chỉ sau 3 ngày”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nhận định: “Cái mà châu Âu cần hiện nay là chi tiêu nhiều hơn nữa cho nền quốc phòng của mình”. Những ý kiến này được đưa ra với hàm ý rằng, chính quyền mới ở Mỹ do Trump lãnh đạo không thể nhanh chóng đổi thay nhưng EU phải tự lo các kế hoạch trước những mối đe dọa và điều tất yếu là không thể không gia tăng chi phí quân sự, hoặc để bổ sung nguồn đóng cho NATO, hoặc tăng cường tiềm lực quân sự cho các thành viên của mình. Nói cách khác là EU tự cứu mình trước khi người khác lo cho mình.

Do vậy, tuy có những ý kiến khác nhau nhưng việc thành lập quân đội riêng cũng được đặt ra. Các nhà ngoại giao EU cho biết, việc ông Trump thắng cử tại Mỹ và việc Anh rời EU khiến các quan chức liên minh này kêu gọi cuộc cải tổ tổng thể đối với chính sách đối ngoại và quốc phòng. Đức và Pháp muốn tăng cường hội nhập hơn nữa giữa các nước trong EU vì cho rằng nếu Mỹ không muốn gắn kết với châu Âu như trước nữa thì châu Âu cần tự lo vấn đề an ninh của châu lục mình.

Chỉ một ngày sau khi ông Trump thắng cử, tại thủ đô Berlin của Đức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố: “Chúng ta nợ người Mỹ rất nhiều, đặc biệt là đất nước này và thành phố này, nhưng trong triển vọng dài hạn, họ sẽ không còn chăm lo cho nền an ninh châu Âu. Đây là điều mà chúng ta phải tự làm. Do đó, chúng ta cần thúc đẩy tiến trình mới cho một liên minh phòng thủ châu Âu và thậm chí thành lập quân đội châu Âu. Đây là những nốt nhạc của tương lai và nó đã bắt đầu vang lên, có điều nhiều người châu Âu chưa được nghe thấy”.

Ngoại trưởng Pháp Jean Marc Ayrault ngày 13-11 cũng tuyên bố: “Đã đến lúc ngừng than thở về việc ông Trump mà hãy coi đó như cơ hội để châu Âu nắm lại quyền định đoạt mọi chuyện của mình”. Cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt cho rằng, đây là thời điểm không thể chậm trễ hơn nữa và vô cùng thích hợp để thực hiện các cải cách mang tính sống còn đối với EU, trong đó có việc thành lập quân đội chung.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế của Trường Đại học Paris-Sorbonne Michael Lambert nhận định: Việc ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ sẽ dẫn đến một bước “đại nhảy vọt theo hình thức liên bang” tại châu Âu, tức là việc tăng cường hợp tác quân sự giữa các thành viên EU, mà trụ cột là quan hệ quân sự Pháp - Đức và dài hạn dẫn đến việc ra đời tại châu Âu một quân đội với sức mạnh hàng đầu thế giới.

Nếu một khi EU tự quyết định cho ra đời quân đội riêng thì số phận của NATO sẽ ra sao? Câu trả lời sẽ là đồng nghĩa với việc khai tử NATO. Nhưng để EU xây dựng một quân đội riêng mạnh tương đương thì chi phí thậm chí còn nhiều hơn chi phí NATO do phải làm lại từ đầu.

Nhưng tình hình kinh tế tồi tệ tại châu Âu gần chục năm qua, cộng thêm việc các nước thành viên đã cắt giảm chi phí quốc phòng liên tục thì đây là thách thức tài chính lớn nhất trong giai đoạn trước mắt. Ngoài ra, sự chia rẽ đang xuất hiện ngày càng lớn, nhất là việc Anh rời EU thì sự chung sức chung lòng này có thành hiện thực?

Ở phương diện khác, Pháp - Đức vốn là hai “kẻ thù truyền kiếp” trong lịch sử, tuy là bạn bè thân thiện trong nhiều thập niên qua, nhưng liệu họ có thực tâm để làm nên một hạt nhân cho một quân đội hùng mạnh của châu Âu trong tương lai? Hơn nữa, khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Trump có làm đúng ý tưởng cho “nước Mỹ hùng mạnh”, nhanh chóng hủy đi những liên minh, cấu trúc sau 70 năm bỏ công sức và tiền bạc để xây dựng ở những khu vực chiến lược mà châu Âu là trụ cột hay không?

Nhưng vì các tuyên bố đó của ông Trump, cùng với hoàn cảnh châu lục này đang suy yếu chưa từng có đã buộc các nhà lãnh đạo EU phải tìm các giải pháp thích hợp để “tự cứu mình” trước những khó khăn, thách thức đó.

TUYẾT MINH

.