Quan sát & Bình luận

Một trận đánh, nhiều nỗi lo

08:26, 20/10/2016 (GMT+7)

Mosul là thành phố lớn thứ hai ở Iraq, cách thủ đô Baghdad 400km về phía bắc, bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm đóng từ tháng 6-2014 và cũng là thành trì kiên cố cuối cùng tại Iraq hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của IS. Theo tiết lộ của quan chức quân đội Mỹ, tại Mosul hiện có khoảng 3.500 - 5.000 tay súng IS. Cộng thêm số ủng hộ thì lực lượng cố thủ ở đây khoảng 7.000 người.

Sau 3 ngày mở chiến dịch tái chiếm Mosul, kể từ ngày 17-10, các lực lượng Iraq đã giành lại quyền kiểm soát 20 ngôi làng từ tay IS. Được sự yểm trợ của lực lượng không quân quốc tế, lực lượng Iraq đã liên tục giải phóng nhiều khu vực xung quanh Mosul, trong đó có các thị trấn Bashiqa và Himdaniyah.

Chiến dịch dự kiến kéo dài trong vài tháng nhưng có rất nhiều mối lo đang đặt ra cho các bên liên quan và cộng đồng quốc tế.

Trước hết là vấn đề nhân đạo. Các nhà quan sát dự báo khoảng 200.000 người ở Mosul sẽ di tản. Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề cứu trợ nhân đạo và khẩn cấp Stephen O’Brien đã bày tỏ quan ngại về sự an toàn của người dân Mosul. Ông O’Brien nói: “Tôi vô cùng quan ngại về sự an toàn của 1,5 triệu người dân đang sống tại Mosul vì họ có thể bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch quân sự nhằm giành lại thành phố này từ tay IS”.

Vấn đề thứ hai là làm sao lấp khoảng trống quyền lực và hòa giải. Một câu hỏi được đặt ra: Đánh thì được rồi, nhưng sau đó thì sao? Nhật báo Le Figaro (Pháp) có bài phân tích xem đây mới chính là “vấn đề gai góc sau thắng lợi quân sự”. Làm thế nào phân chia quyền và nguồn lực giữa các phe phái Shi’ite, Sunni và Kurdistan Mosul? Đó là một thách thức chính trị vô cùng to lớn mà chính phủ của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cần phải giải quyết sau khi giành thắng lợi hoàn toàn.

Vấn đề thứ ba là sự lẩn trốn từ thành trì Mosul của các chiến binh IS.

Lebanon, nước láng giềng với Iraq, tuyên bố không nhận người tị nạn từ Mosul vì lo ngại các phần tử IS trà trộn sẽ gây họa về sau cho quốc gia này.

Trong khi đó, Syria không những lo ngại các chiến binh IS từ Mosul thất trận chạy sang tham gia thánh chiến tại nước này mà còn lên tiếng cảnh báo Mỹ và các đồng minh dường như có kế hoạch ngầm mở đường cho chúng chạy thoát. Quân đội Syria cáo buộc liên minh do Mỹ đứng đầu có kế hoạch cho phép các tay súng IS tháo chạy khỏi Mosul, vượt qua biên giới Syria nhằm thiết lập “chiến trường mới thực sự” ở miền đông.

Cùng với Syria, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Mátxcơva sẽ đánh giá tình hình và đưa ra quyết định cả về chính trị lẫn quân sự, nếu điều đó xảy ra và nếu có các nhóm chiến binh IS khác tới Syria, nơi binh sĩ của Nga đang làm việc theo yêu cầu của chính phủ hợp pháp Damascus.

Không chỉ Nga và Syria lo ngại mà châu Âu cũng bất an. Ủy viên an ninh của Liên minh châu Âu (EU), ông Julian King, cảnh báo châu Âu phải sẵn sàng cho làn sóng xâm nhập mới của các phần tử IS nếu lực lượng Iraq giành lại Mosul. “Việc giành lại Mosul, thành trì của IS ở miền bắc Iraq, có thể dẫn đến việc các tay súng IS trở lại châu Âu”. Ông cho rằng, thậm chí chỉ một nhóm phần tử thánh chiến quay lại cũng sẽ làm dấy lên “mối đe dọa nghiêm trọng” khiến châu Âu phải chuẩn bị đối phó.

Trong khi đó, Pháp cho biết, 13 Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu chống IS sẽ nhóm họp tại Paris vào ngày 25-10 để bàn thảo chủ yếu về các hoạt động chống IS.

Mối lo IS tháo chạy từ Mosul không dừng lại ở các quốc gia nói trên mà khu vực Đông Nam Á cũng là điểm đến của chúng. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho rằng, Đông Nam Á cần có biện pháp chủ động bảo vệ an ninh khu vực khi quân đội Iraq bắt đầu tấn công Mosul. Ông Hishammuddin cảnh báo, hàng nghìn tay súng IS sẽ bắt đầu chạy trốn khỏi Iraq và Syria, sau đó di chuyển đến khu vực Đông Nam Á. Các phần tử này hoặc trở về quê hương, hoặc tìm địa điểm an toàn ở một số khu vực. Do đó, Đông Nam Á cần chủ động ứng phó với nguy cơ này.

Theo ông Hishammuddin, điều quan trọng là phải có những đồng minh mạnh. Ông đã gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng như những người đồng cấp Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.

Còn tại khu vực, Malaysia củng cố quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Indonesia và Philippines. Ba quốc gia này đã phối hợp tiến hành tuần tra chung tại biển Sulu, nơi các phiến quân Abu Sayyaff thực hiện nhiều vụ bắt cóc đòi tiền chuộc. Malaysia cũng có kế hoạch mời Brunei sớm tham dự tuần tra chung.

Mục tiêu loại IS ra khỏi đời sống của nhân dân Iraq nói riêng, cộng đồng quốc tế nói chung là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài. Nhưng việc triệt tiêu mầm mống của IS từ trận đánh ở Mosul đã và đang đặt ra các vấn đề nói trên mà chính quyền Iraq và các đồng minh phải tính toán. Đó thật sự là bài toán khá hóc búa mà quân đội Iraq và các đồng minh phải cân nhắc nhằm hóa giải hiệu quả.

TUYẾT MINH

.