Châu Âu trở nên mạnh mẽ!

Để đối phó với những biến chuyển nhanh chóng ở châu Âu, nhất là khi Anh chuẩn bị rời Liên minh Châu Âu (EU), tại hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ở Luxembourg ngày 25-6 vừa qua, Pháp cùng 8 nước khác (Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Estonia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) thống nhất thiết lập cơ chế hoạt động quân sự mới, được gọi là “Sáng kiến can thiệp châu Âu” (IEI), nhằm đưa ra các kế hoạch hỗ trợ chung đối với những sự kiện như thảm họa thiên tai, can thiệp khủng hoảng hoặc sơ tán người dân tại các vùng chiến sự nóng.

Lý do nào để các nước thành viên chủ chốt của EU như Pháp, Đức, quyết tâm hình thành IEI, trong khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời sau Thế chiến thứ hai vẫn tồn tại và đang tiếp tục kết nạp các thành viên mới?

Trước hết, phải thấy rằng “chiếc áo” NATO hiện quá hẹp và quá khắt khe, ràng buộc nhiều yếu tố trong việc thu nạp toàn bộ các nước ở châu Âu muốn hợp tác quân sự với nhau để xử lý những “tình huống bất ngờ” và cấp thiết. Nhất là khi quan hệ giữa Anh với châu Âu thời hậu Brexit sẽ không còn cơ chế ràng buộc với EU, nếu không hình thành IEI thì Anh - quốc gia có tiềm lực quốc phòng ở châu Âu - cũng như một số nước khác không thuộc NATO, khó tham gia các hoạt động chung để giải quyết các vấn đề lâu nay vẫn tồn tại của khu vực và thế giới.

Thứ hai, IEI ra đời để các nước châu Âu bớt lệ thuộc NATO - tổ chức vốn do người Mỹ thống trị và Washington ngày càng ít muốn hỗ trợ các đối tác ở “lục địa già” trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Kể từ khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump quay lưng với các đồng minh chiến lược châu Âu trong nhiều vấn đề khá gai góc. Về kinh tế, ông Trump đã phá bỏ nhiều cam kết của những người tiền nhiệm, đẩy châu Âu vào những khó khăn, thách thức lớn, chẳng hạn Mỹ rút khỏi hiệp định biến đổi khí hậu Paris, hay thỏa thuận hạt nhân Iran… Đặc biệt, mới đây, Nhà Trắng áp thuế đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, làm quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương trở nên phức tạp và có vẻ “lạnh nhạt” rất nhiều.

Riêng về vấn đề quân sự, ông Trump không ngừng nhắc lại điệp khúc Washington đã “hao tiền tốn của” để bảo vệ các đồng minh, đồng thời chỉ trích các thành viên NATO đóng góp quá ít cho quốc phòng.

Sau cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump quyết định ngưng tập trận Mỹ - Hàn Quốc. Điều này đặt ra khả năng Mỹ sẽ rút quân trên diện rộng, trong đó có châu Âu. Song, châu Âu lại không mong muốn như vậy khi mối quan hệ với Nga đang “đóng băng” trên nhiều lĩnh vực.

Việc ra đời IEI cũng cho thấy, các nước thành viên chủ chốt của NATO cũng như EU như Anh, Pháp, Đức đã nhận ra mối quan hệ mới với người bạn ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Đây là lúc châu Âu phải trở nên mạnh mẽ để tự cứu mình trước sự thay đổi của đồng minh chiến lược.

Tuần báo Pháp Le Point số ra mới đây đăng ảnh Tổng thống Donald Trump trên trang nhất, với hàng tựa ngắn gọn nhưng hết sức mỉa mai: “Cảm ơn Donald!”. Bài viết của báo này nhấn mạnh, nên cảm ơn ông Trump về những hành động phá tan trật tự thế giới được xây dựng vào năm 1945 khi đồng minh chiến thắng Đức quốc xã. Tờ Le Point cũng phỏng vấn cựu Ngoại trưởng Đức Joschka Fisher và ông khẳng định: “Rốt cuộc châu Âu phải trở thành một thế lực độc lập”.

Việc hình thành IEI trên phương diện nào đó có thể chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của NATO, hơn thế sẽ làm Mỹ không hài lòng, nhưng các thành viên chủ chốt của châu Âu cũng đã bắt đầu nói không với Washington trong một số lĩnh vực, trong đó thỏa thuận hạt nhân với Iran là một ví dụ điển hình.

Vì thế, IEI có thể là bước khởi đầu để châu Âu từng bước thoát ra khỏi chiếc ô bảo hộ của Mỹ về an ninh, quốc phòng… kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc đến nay.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.