Pháp muốn tái lập đối thoại chiến lược với Nga

.

Quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) bất ngờ bị “đóng băng” ngay sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và cuộc xung đột ở Donbas, miền đông Ukraine.

Đó cũng là thời điểm Pháp chuẩn bị bàn giao cho Nga tàu sân bay trực thăng lớp Mistral. Sau đó, Pháp hủy hợp đồng, đền bù cho Nga gần 950 triệu euro. Hơn thế, 400 thủy thủ Nga sang Pháp đào tạo cũng được đền bù chi phí. Ngoài ra, Nga còn có được tài liệu kỹ thuật quý giá về cách chế tạo và vận hành các tàu sân bay trực thăng tương lai của riêng mình, do Paris đồng ý chuyển giao công nghệ khi ký thỏa thuận.

Tuy nhiên, dù cùng EU trừng phạt Nga nhưng Pháp vẫn luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Moscow. Một tuần trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7 tại Biarritz (Pháp) hồi tháng 8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ mời Tổng thống Vladimir Putin đến biệt thự mùa hè của ông ở Bormes-les-Mimosa để thảo luận về các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Ngày 9-9, Pháp cử Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly và Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đến Moscow gặp những người đồng cấp Nga trong khuôn khổ cuộc gặp cấp cao 2+2 (tên gọi chính thức là Hội đồng Hợp tác An ninh Pháp - Nga). Đây là lần đầu tiên Pháp và Nga nối lại đối thoại sau cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra năm 2014. Hai bộ trưởng Pháp muốn tìm kiếm những “điểm chung” mà hai bên có thể hợp tác với nhau trong một loạt vấn đề quốc tế như Ukraine, Syria, Iran hay những thách thức chiến lược sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)…

Một số nước thành viên EU có hai luồng phản ứng trái ngược trước động thái của Pháp. Luồng tỏ ra lo ngại chủ yếu là các nước Đông Âu, nhất là Ba Lan. Quan điểm kiến tạo cơ cấu an ninh mới cho châu Âu mà Tổng thống Macron muốn có sự tham gia của Nga không tương thích với xu hướng thân Mỹ của Ba Lan. Warsaw đang làm mọi cách để gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất nước mình, tạo ra một “rào chắn” chống Nga.

Trong khi đó, Đức cho rằng, để tái lập quan hệ “nghiêm túc” với Nga, Điện Kremlin phải thay đổi chính sách, nhất là về vấn đề Ukraine. Do vậy, Berlin chỉ trích Tổng thống Pháp đơn phương hành động và rơi vào “bẫy” của Tổng thống Nga muốn chia rẽ trục Pháp - Đức, như nhận xét của ông Milan Nic, chuyên gia về Đông Âu và Nga thuộc DGAP, cơ quan nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Berlin được báo Le Monde (Pháp) trích dẫn.

Luồng ngược lại, Ý, Hy Lạp hay Phần Lan ủng hộ động thái của Pháp. Các quốc gia này đều cho rằng, Nga là một tác nhân không thể thiếu trong nhiều vấn đề quốc tế lớn và điều đó rất cần thiết cho việc bảo đảm an ninh chung của châu Âu. Chính Tổng thống Donald Trump cũng cho rằng, có quá nhiều vấn đề quốc tế không thể thiếu vai trò của Nga, nên Moscow cần trở lại G7 và ông thông báo ý định mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Mỹ năm 2020.

Điều đó cho thấy, Paris có lý do của Paris. Trong bối cảnh chính trị của nước Anh khủng hoảng vì Brexit, Thủ tướng Đức Angela Merkel chuẩn bị hết nhiệm kỳ, chỉ còn Pháp phải lên tuyến đầu vì quyền lợi châu Âu. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu và G7, Tổng thống Macron đương nhiên được xem như là lãnh đạo thế giới Tây phương; và như chính ông tuyên bố, có lý do chính đáng tìm “một xung lực mới để tái lập đối thoại chiến lược với Nga”.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.