Vì sao thương chiến Mỹ - Trung hòa hoãn?

.

Căng thẳng Mỹ - Trung diễn ra suốt 18 tháng qua với những “ngón đòn” sắc lạnh, nhưng khi đi vào thực hiện lại có những bước nhượng bộ đáng kể với những lý do khác nhau. Ngày 11-9, Trung Quốc thông báo sẽ miễn đánh thuế 16 mặt hàng của Mỹ trong một năm. Lập tức Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn tăng thuế nhập khẩu từ 25% lên 30% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong 2 tuần.

Không những thế, ngày 20-9, Nhà Trắng công bố danh sách trên 400 sản phẩm nhập từ Trung Quốc “tạm thời được miễn thuế nhập khẩu trong vòng một năm”. Những mặt hàng liên quan này nằm trong danh sách 250 tỷ USD từ cuối mùa hè năm 2018 đã bị Mỹ liệt vào danh sách bị áp thuế 25%... Mới đây, phái đoàn Trung Quốc sang thăm các nông trại của Mỹ tuy đột ngột kết thúc sớm hành trình, nhưng có thông tin Bắc Kinh một lần nữa hứa mua thêm nông sản của Mỹ để tạo thuận lợi cho hai bên bước vào vòng đàm phán tiếp theo vào đầu tháng 10 tới.

Vậy đâu là nguyên nhân cốt lõi để hai bên hòa hoãn trong cuộc chiến thương mại? Ông Jean-François Dufour, Giám đốc DCA China Analyse - cơ quan tư vấn cho các doanh nhân Pháp muốn hoạt động tại Trung Quốc, phân tích về những động cơ khách quan khiến cả Bắc Kinh lẫn Washington cùng “chìa bàn tay thân thiện” với nhau. Phía Trung Quốc có thể ý thức rằng tỷ lệ tăng trưởng đang bị chựng lại bởi nguyên nhân chính là do xung đột thương mại với Mỹ. Trung Quốc dường như nhận ra họ đang bị phụ thuộc vào Mỹ về công nghệ nhiều hơn suy nghĩ ban đầu và Bắc Kinh phải cần tới 5 năm để thoát khỏi sự phụ thuộc này.

Theo Reuters, Trung Quốc không ít lần hứa mua thêm nông sản của Mỹ và đây là động thái làm vừa lòng Tổng thống Trump. Vì vậy, nên ngay từ đầu, Trung Quốc luôn chủ trương đối thoại để nhanh chóng tìm ra lối thoát, bởi cường quốc châu Á này không phải là bên khơi mào chiến tranh thương mại. Vì thế, hai bên đã có bản thỏa thuận sơ bộ trên nhiều vấn đề, nhưng sau đó đột ngột thay đổi hàng loạt khiến Mỹ tức giận.

Về phía Mỹ, chính phủ của Tổng thống Trump nhận thấy rằng, nếu thúc đẩy căng thẳng đến cùng sẽ đẩy kinh tế của thế giới vào khủng hoảng và cường quốc này cũng bị vạ lây. Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn ở Mỹ gây áp lực với chính phủ để Washington và Bắc Kinh hướng tới sự đồng thuận. Trong khi đó, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đang đến gần, sự phản đối của nông dân Mỹ về tồn đọng sản phẩm sẽ tạo ra áp lực lớn cho ông Trump. Tuy vậy, Nhà Trắng vẫn dọa có thể “đánh thuế 50%, thậm chí 100% nhắm vào hàng Trung Quốc” bán sang Mỹ nếu không thỏa thuận thương mại.

Dự kiến Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt đầu vòng đàm phán mới vào ngày 1-10. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra ở New York (Mỹ), Tổng thống Trump chỉ trích các biện pháp thương mại của Trung Quốc, nhưng bày tỏ hy vọng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt bất đồng thương mại. Ông Trump nhắc lại những điều mà ông gọi là các chính sách thương mại “bất công” của Trung Quốc, nêu rõ Bắc Kinh đã đi theo mô hình kinh tế dựa trên các rào cản thị trường lớn, trợ cấp nhà nước cao, thao túng tiền tệ, chuyển giao công nghệ ép buộc và đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Vì thế, theo các nhà quan sát, việc đôi bên trở lại bàn đàm phán là dấu hiệu tốt được dư luận và cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng như quốc tế hoan nghênh. Những động thái của Trung Quốc và Mỹ cho thấy hai bên đang nỗ lực tạo không khí hòa hoãn, thúc đẩy đàm phán hướng tới thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại đang gây tổn hại cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như đẩy lùi tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Song, giới chuyên gia thương mại và quan chức chính phủ hai bên cũng cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể cần nhiều năm để giải quyết bởi nó đã trở thành cuộc đối đầu về chính trị, không đơn thuần chỉ là vấn đề thuế quan. Bởi vậy, sự hòa hoãn hiện nay cũng chỉ tạm thời để “dưỡng sức” cho cuộc chiến thương mại sẽ “kéo dài nhiều tập” trong những năm đến.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.