G7 đang đi chậm lại

Từ ngày 24 đến 26-8, hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Canada và Ý) sẽ diễn ra tại thành phố Biarritz, phía tây nước Pháp.

Với vai trò nước chủ nhà, ngay từ đầu, Pháp đã đặt ra 5 mục tiêu lớn mang tính toàn cầu mà G7 phải giải quyết: một là đấu tranh chống sự bất bình đẳng của số phận, đặc biệt thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận giáo dục và dịch vụ y tế chất lượng; hai là thúc đẩy giảm bất bình đẳng môi trường bằng việc tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi sinh thái đúng đắn; ba là ưu tiên về kỹ thuật số, ưu tiên cuộc chiến chống khủng bố và ngăn chặn nguồn tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, khai thác các cơ hội từ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo; bốn là thu hút sự tham gia của công dân; năm là “hồi sinh” G7.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình chuẩn bị hội nghị, có quá nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh dẫn đến sự tranh cãi quyết liệt trong các cuộc gặp song phương và diễn đàn đa phương.

Chương trình nghị sự lần này được dự đoán tập trung vào các vấn đề mang tính toàn cầu như: căng thẳng thương mại, biến đổi khí hậu; đồng tiền điện tử; thuế công nghệ… mà nước chủ nhà Pháp đang thúc đẩy mạnh mẽ.

Trước thềm hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính G7 thảo luận về tăng trưởng toàn cầu chậm lại, các chính sách thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng dẫn đến cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc và căng thẳng với châu Âu, cũng như vấn đề tiền điện tử sau khi kế hoạch ra mắt đồng tiền điện tử Libra của Facebook thu hút sự chú ý của giới chức tài chính toàn cầu.

Pháp lo ngại Tổng thống Trump sẽ có quan điểm khác biệt với các nhà lãnh đạo còn lại, nhất là trong vấn đề thương mại và môi trường. Tại G7 ở Quebec (Canada) năm 2018, Tổng thống Trump từ chối ký thông cáo chung và chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau về thương mại. Mới đây nhất, ngày 20-8-2019 (giờ Mỹ), ông Trump bày tỏ sự ủng hộ Nga trở lại nhóm G7 để khối này trở thành G8 như tên gọi cũ cách đây 5 năm.

Nga bị dừng tư cách thành viên G8 vào năm 2014 sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea. Các nước châu Âu trong G7 cho rằng, chưa phải thời điểm điểm thích hợp để Nga trở lại khối. Vì vậy, việc ông Trump tuyên bố ủng hộ Nga gia nhập lại G7 phản ánh những bất đồng về quan điểm giữa các quốc gia thuộc câu lạc bộ giàu có này. Hãng AFP thậm chí cho rằng, những khác biệt giữa Mỹ và các nước còn lại của G7 về biến đổi khí hậu, bất bình đẳng toàn cầu sâu sắc đến mức có thời điểm người ta gọi nhóm này là G6+1 thay vì G7.

Dường như đoán được ý định của ông Trump nên trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đón người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại khu nghỉ dưỡng của mình để thảo luận hàng loạt vấn đề song phương và đa phương vốn không thể thiếu vai trò của Moscow.

Vì thế, theo đài NHK (Nhật Bản), công tác chuẩn bị hội nghị G7 đang diễn ra theo kết thúc mà không có tuyên bố chung. Nếu vậy, đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên không có tuyên bố chung kể từ năm 1975.

Diễn biến nói trên cho thấy, vai trò và tính chính đáng của G7, vốn được thành lập nhằm thảo luận về kinh tế quốc tế và những thách thức chiến lược, đang ngày càng khiến nhiều người hoài nghi. Theo Giám đốc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp, ông Pascal Boniface, gặp nhau và tham vấn luôn là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề, song G7 không còn giữ được hào quang vốn có và thậm chí có phần lép vế hơn so với nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) mang tính đa phương hơn. Với những gì G7 đang thể hiện, các nhà phân tích cho rằng, khối này dường như đang đi chậm lại so với sự phát triển của thế giới và dù G7 tiếp tục hoạt động trên danh nghĩa đồng minh, nhưng lợi ích nhóm bị suy giảm, sự đồng thuận bị chia rẽ sâu sắc.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.