Chia sẻ trách nhiệm về người di cư

.

Người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi, từng cảnh báo thế giới đang bước vào thập kỷ của sự dịch chuyển khi số người tị nạn tăng lên. Năm 2018, ước tính gần 71 triệu người buộc phải di tản do chiến tranh, bạo lực và ngược đãi, trong đó gần 26 triệu người vượt biên thành người tị nạn.

Năm 2019, theo ước tính của LHQ, số người di cư trên thế giới lên tới 272 triệu người, tăng 51 triệu người so với năm 2010. Hiện tại, người di cư chiếm 3,5% dân số thế giới, so với 2,8% vào năm 2000. Trong đó, Ấn Độ có khoảng 18 triệu người sống ở nước ngoài; người di cư từ Mexico nhiều thứ hai (12 triệu người); tiếp theo là Trung Quốc (11 triệu người), Nga (10 triệu người) và Syria (8 triệu người).
Ở cấp độ khu vực, châu Âu tiếp nhận số lượng người di cư lớn nhất (82 triệu người); tiếp đó là Bắc Mỹ (59 triệu người), Bắc Phi và Tây Á (49 triệu người)…

Ở Bắc Mỹ, Mỹ tiếp nhận người di cư nhiều nhất (51 triệu người), tương đương khoảng 19% tổng số người di cư toàn cầu. Mỹ đã có nhiều biện pháp như: ban hành chính sách nhập cư mới; hợp tác với các nước có người di cư để ngăn chặn từ xa; đặc biệt, Washington đã xây dựng hàng rào an ninh biên giới, bắt và trao trả người di cư về nơi xuất phát…

Trong khi đó, cuộc xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi, nhất là tại Syria, đã tạo ra dòng người di cư vào châu Âu lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. Năm 2018, UNHCR ước tính số lượng người tị nạn cập bến Tây Ban Nha là 9.500 người, Hy Lạp là 12.000 người và Ý là 15.300 người. Năm 2019, dòng người di cư tiếp tục vượt biển Địa Trung Hải vào Liên minh châu Âu (EU). Con số này tuy thấp hơn nhiều so với thời kỳ cao điểm (1 triệu người trong năm 2015), nhưng dòng người tị nạn vào châu Âu đến nay không chấm dứt. Điều này đòi hỏi các nước EU phải thay đổi mạnh mẽ và quyết đoán trong bộ luật liên quan vấn đề di cư nhằm tháo gỡ tình trạng bế tắc hiện nay khi di chuyển người di cư trong khối, xoa dịu làn sóng bài người nhập cư, sớm giúp người tị nạn ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, EU được cho là đã chia hai nửa theo cách mà các quốc gia ở châu lục này đối xử với người di cư. Cách ứng phó của EU không nhất quán: các chính sách thay đổi gần như hằng ngày; người dân di chuyển liên tục qua các biên giới, trong khi các chính khách đổ lỗi cho nhau trong vấn đề tiếp nhận người di cư…

Đức có lúc tiếp nhận lên đến 1 triệu người và hiện nay tại quốc gia châu Âu này có tới 13 triệu người nhập cư, đứng thứ hai thế giới. Giữa Đức và một số nước EU đang chia rẽ sâu sắc xung quanh vấn đề người nhập cư.  

Thổ Nhĩ Kỳ hiện có tới 3 triệu người di cư ở trong các khu tập trung nhưng chưa được giải quyết trở về quê hương hay vào EU. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hối thúc các nước giàu hơn chia sẻ trách nhiệm, không để nước này chịu gánh nặng. Nếu các nước không hành động, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở cửa biên giới để làn người di cư đi vào EU.

Tại diễn đàn người tị nạn toàn cầu ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 17-12 nhân kỷ niệm một năm Đại hội đồng LHQ thông qua Công ước quốc tế về di dân và tị nạn, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia cùng chia sẻ trách nhiệm giải quyết tình trạng số người phải rời bỏ nhà cửa gia tăng. Ông Guterres nhấn mạnh, đây là thời điểm để đưa ra biện pháp ứng phó công bằng hơn đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn thông qua việc chia sẻ trách nhiệm. Ông Guterres cũng cho rằng, cả thế giới đang nợ lời cảm ơn đối với tất cả quốc gia và cộng đồng mở cửa chào đón lượng lớn người di cư; và trong bối cảnh tình hình thế giới rối ren như hiện nay, cộng đồng quốc tế phải hành động nhiều hơn để chung sức giải quyết bài toán người di cư.

TUYẾT MINH

 

;
;
.
.
.
.
.