Căng thẳng địa chính trị đang ở mức cao nhất

Ngay những ngày đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21, hàng loạt biến động diễn ra, làm nền chính trị thế giới rơi vào tình trạng căng thẳng chưa từng có. Khởi đầu là cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad (Iraq) dẫn đến cái chết của Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Tối 7-1 (sáng 8-1, giờ Việt Nam), Iran nã hàng chục tên lửa vào 2 căn cứ quân sự ở Iraq là Ain Al-Asad và Erbil để báo thù. Động thái này đẩy quan hệ Mỹ - Iran cũng như khu vực Trung Đông rơi vào thế “nghìn cân treo sợi tóc”, bất kỳ bước đi tiếp theo của bên nào vượt “giới hạn đỏ cuối cùng” đều dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường. Nguy cơ xảy ra “một cuộc chiến tranh tàn khốc” cận kề.

Trong khi đó, bán đảo Triều Tiên cũng đang trong tình trạng “chông chênh” về những dự định của Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề cập việc Bình Nhưỡng thúc đẩy năng lực “răn đe hạt nhân” bao xa sẽ phụ thuộc vào thái độ của Mỹ. Ông khẳng định, Triều Tiên không thể từ bỏ an ninh của tương lai chỉ vì những lợi ích kinh tế trước mắt. Ngày 6-1, báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên - đăng bài viết khẳng định “Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự bất khả chiến bại của mình và không để bất cứ thế lực thù địch nào dám sử dụng vũ lực chống lại nước này. Hoạt động đó sẽ diễn ra cho đến khi nào Mỹ rút bỏ các chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng, xây dựng thể chế hòa bình lâu dài và vững chắc trên bán đảo Triều Tiên”.

Mỹ và các đồng minh lo lắng. Mỹ tuyên bố mong muốn Triều Tiên chọn hòa bình hơn là chiến tranh và nếu Bình Nhưỡng có hành động phiêu lưu thì Washington sẽ đáp trả ngay lập tức.

Còn Biển Đông nổi thêm cơn sóng dữ khi Trung Quốc cho tàu hải cảnh đi cùng hàng trăm tàu cá xâm phạm vùng lãnh hải Indonesia. Quân đội Indonesia đã điều máy bay ra căn cứ không quân Raden Sadjad trên đảo Natuna, thuộc quần đảo Riau để đối phó với Trung Quốc. Ngày 8-1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm quần đảo Natuna và nhấn mạnh chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo này. Tư lệnh Quân đội Indonesia Hadi Tjahjanto đã ra lệnh Hải quân nước này “đuổi bất kỳ tàu nước ngoài nào xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia”.

Lâu nay, Indonesia im tiếng trước những động thái của Trung Quốc nhằm vào Việt Nam, Malaysia… ở Biển Đông, nhưng giờ đây Jakarta chính thức có sự phản ứng mạnh mẽ đối với Bắc Kinh.

Trong phát biểu mới đây, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng: “Năm mới khởi đầu với việc thế giới của chúng ta rơi vào cảnh hỗn loạn. Chúng ta đang sống trong những thời khắc nguy hiểm. Căng thẳng địa chính trị đang ở mức cao nhất trong thế kỷ này. Và sự hỗn loạn đang leo thang”. Không đề cập bất kỳ tên quốc gia cụ thể nào, ông Guterres nhấn mạnh “chảo lửa căng thẳng hiện nay” đang khiến ngày càng nhiều nước đưa ra những quyết định khó đoán định với những hậu quả khôn lường và nguy cơ tính toán sai lầm nghiêm trọng.

Để hóa giải những biến động đầy nguy hiểm đó, ông Guterres nêu rõ: “Thông điệp của tôi rất đơn giản và rõ ràng: Hãy ngừng leo thang căng thẳng. Kiềm chế tối đa. Khôi phục đối thoại. Đổi mới hợp tác quốc tế và tránh một cuộc chiến tranh mới”.

TUYẾT MINH

 

;
;
.
.
.
.
.