Cuộc "quyết đấu" hậu bầu cử Tổng thống Mỹ

.

Sau 1 tuần diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, người dân nước này vẫn chưa biết ai sẽ trở thành chủ nhân của Nhà Trắng trong 4 năm tới. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến “điểm nghẽn” phức tạp này?

Suốt tuần qua, Ban tranh cử của ứng cử viên Donald Trump đã “gây bão” ở các tòa án cấp bang và liên bang với hàng chục vụ kiện mới liên quan bầu cử. Phần lớn các vụ kiện được đệ trình ở Pennsylvania, Nevada, Georgia và Michigan - các bang mà ứng cử viên Joe Biden giành chiến thắng sít sao hoặc chưa công bố người thắng cuộc. Ông Trump cũng nhiều lần cáo buộc có gian lận bầu cử và tuyên bố “đấu tranh” tới cùng.

Từ ngày 4-11, chiến dịch tranh cử của Tổng thống đương nhiệm và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa cũng đã gửi hàng chục tin nhắn, email mỗi ngày để kêu gọi tài trợ cho cuộc chiến pháp lý của ông Trump.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, từ chối công nhận ứng cử viên Biden là tổng thống đắc cử, đồng thời cho rằng ông Trump có toàn quyền khiếu nại. Theo ông McConnell, các hãng truyền thông xướng tên ứng viên đảng Dân chủ Biden hôm 7-11 không có vai trò hiến định nào để quyết định người chiến thắng. “Hiến pháp không trao vai trò nào trong quá trình này cho các tập đoàn truyền thông giàu có. Dự báo và bình luận của báo chí không có quyền phủ quyết đối với quyền hợp pháp của bất kỳ công dân nào, kể cả tổng thống Mỹ”, ông McConnell nói.

Ngày 10-11, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr ủy quyền cho các công tố viên liên bang điều tra về những bất thường trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng khẳng định về “quá trình chuyển giao suôn sẻ sang nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Trump” và từ chối công nhận chiến thắng của ông Biden.

Trong lịch sử gần đây của Mỹ, chưa có cuộc bầu cử nào bị cáo buộc gian lận nhiều như năm nay. Trong cuộc bầu cử năm 2000, khi các kết quả bầu cử tại bang Florida rất sít sao, Phó Tổng thống Al Gore đã từng cố gắng khiếu kiện bằng mọi con đường; và đến tháng 12 ông mới thừa nhận thất cử. Cuộc kiểm phiếu lại ở bang Florida vào năm 2000 đến nay vẫn được giới truyền thông nhắc đến. Khi đó, ông G.W.Bush dẫn trước đối thủ Al Gore 1.784 phiếu ở Florida (với 20 phiếu đại cử tri) - bang cuối cùng quyết định ai đắc cử. Sau khi tiến hành kiểm phiếu lại và các bên kiện lên tới Tòa án Tối cao liên bang, Florida cuối cùng tuyên bố ông Bush thắng với cách biệt 537 phiếu.

Giờ đây, cũng có thông tin từ các quan chức cấp cao, trợ lý chiến dịch và đồng minh giấu tên của ông Trump cho hay, việc tìm kiếm bằng chứng gian lận và đảo ngược kết quả bầu cử dường như không phải là trọng tâm của cuộc chiến pháp lý. Việc thúc đẩy cuộc chiến pháp lý chống lại chiến thắng của ông Biden ở Pennsylvania và nhiều bang khác nhằm tạo cho ông Trump một lối thoát trước thất bại khó chấp nhận, hơn là thay đổi kết quả bầu cử.

Thông thường, quá trình chuyển giao quyền lực sẽ được thực hiện dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền sắp mãn nhiệm và chính quyền mới, kể cả khi hai bên là những đảng phái đối lập. Vì vậy, việc Tổng thống Trump tuyên bố không chấp nhận kết quả và cam kết sẽ thực hiện các biện pháp pháp lý để “lật ngược tình thế” được cho là sẽ gây nhiều khó khăn trong cuộc chuyển giao lần này.

Điều đó cũng tác động không nhỏ đến chính trường thế giới. Lãnh đạo nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ý… đã lên tiếng chúc mừng ông Biden; trong khi lãnh đạo các nước như Nga, Trung Quốc, Brazil… chưa có động thái nào chúc mừng ứng cử viên của đảng Dân chủ Mỹ.

Diễn biến này cũng cho thấy, hậu bầu cử tổng thống Mỹ bước vào một cuộc “quyết đấu” mới, đó là cuộc đấu pháp lý đầy gay go, phức tạp giữa hai ứng cử viên để giành quyền tiếp quản Nhà Trắng. Một vấn đề khác được đặt ra là “các kết quả bầu cử ở mọi mức độ cho thấy nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc và cay đắng” - như nhận định của cựu Tổng thống Barack Obama khi chúc mừng ông Biden. Vậy ông Biden hay ông Trump, ai trở thành tổng thống cũng sẽ tiếp quản một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc. 

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.