Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, quan hệ giữa Nga với phương Tây nói chung, trong đó giữa Nga với Mỹ nói riêng, liên tục trải qua nhiều sóng gió. Những tưởng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thúc đẩy quan hệ với Nga nhưng đã bị các rào cản khá vững chắc ngăn chặn.
Vậy, ông Joe Biden sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1-2021 sẽ xử lý mối quan hệ với Nga như thế nào?
Năm 2009, lúc ông Biden làm Phó Tổng thống Mỹ đã tuyên bố rằng đến lúc “nhấn nút cài đặt lại” quan hệ với Nga. Lý do là chính phủ của Tổng thống Barack Obama khi đó đặt cược vào ông Dmitry Medvedev, người mà ông Vladimir Putin nhắm tới cho vị trí kế nhiệm mình sau 2 nhiệm kỳ Tổng thống.
Sau sự kiện bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014, ông Biden trở thành “người đi đầu” trong chính phủ Obama kêu gọi các đồng minh châu Âu chống lại Moscow và hậu thuẫn Ukraine.
Cũng từ năm 2014, hàng loạt vấn đề khác như: xung đột ở miền đông Ukraina; Nga đưa quân vào Syria; vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái Yulia tại Salisbury (Anh); đường ống dẫn khí đốt Phương Bắc 2; hay việc Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016… đã làm quan hệ Nga - Mỹ chẳng những không có chút cải thiện nào mà còn đẩy nhanh vào sự “băng giá” với chiến dịch trừng phạt lẫn nhau rầm rộ. Ngoài ra, vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược cũng gây tranh cãi giữa hai cường quốc.
Thế nên, khi tin tức bầu cử ở Mỹ hồi tháng 11 vừa qua thông báo ứng cử viên của đảng Dân chủ đã giành đủ số phiếu để được tuyên bố là Tổng thống đắc cử, nhiều lãnh đạo thế giới đồng loạt chúc mừng. Nhưng Tổng thống Putin đợi thêm hơn một tháng nữa, khi đại cử tri đoàn hoàn tất thủ tục bỏ phiếu, xác nhận chiến thắng của ông Biden thì mới gửi lời chúc mừng.
Tại cuộc họp báo thường niên diễn ra ngày 17-12, về quan hệ Nga - Mỹ, Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng Tổng thống đắc cử Biden, người có kinh nghiệm cả về chính sách đối nội lẫn đối ngoại, sẽ giúp giải quyết một số khó khăn trong quan hệ giữa Moscow và Washington.
Trong khi đó, nhận định về mối quan hệ Nga - Mỹ sắp tới, GS. Angela Stent tại Đại học Georgetown (Mỹ) đánh giá: “Chắc chắn ông Putin và ông Biden hiểu rõ về nhau. Tôi nghĩ đó là mối quan hệ khá thực tế nhưng có lẽ không dễ dàng. Tôi không nghĩ sẽ sớm có bất kỳ bước đột phá nào trong mối quan hệ này”.
Còn theo nhà phân tích chính trị Stanislav Belkovsky của Nga, Moscow coi chính quyền Biden là sự tiếp nối của nhiệm kỳ Tổng thống Obama. Ông Belkovsky cho rằng, ông Putin có thể sẽ không coi trọng mối quan hệ cá nhân của mình với ông Biden. Ông Putin đã rút ra được bài học sau khi mối quan hệ cá nhân tốt đẹp của ông với Tổng thống Trump không ngăn được quan hệ giữa hai nước rơi xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. “Ông Putin hiểu rằng các mối quan hệ cá nhân không tạo thêm bất cứ điều gì cho mối quan hệ Nga - Mỹ. Ngay cả những mối quan hệ cá nhân này thực sự tốt hay thực sự xấu thì không có gì thay đổi cả. Ông ấy không tính đến quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo Mỹ. Ngày nay, ông ấy chỉ tính đến những lợi ích chung trong một số lĩnh vực nhất định”, ông Belkovsky lý giải.
Về quan hệ Nga - Mỹ, các nhà quan sát quốc tế nghiêng về đánh giá của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 13-12: “Thật đáng tiếc, chúng tôi chưa nhìn thấy có sự thay đổi cốt lõi nào trong việc cải thiện quan hệ song phương sau khi cải tổ Nhà Trắng”. Theo bà Zakharova, chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nga vẫn sẽ nhằm mục tiêu kiềm chế Moscow và tình hình sẽ không thay đổi dưới thời chính quyền mới vì Washington tập trung chủ yếu vào chương trình nghị sự trong nước. Bà Zakharova lưu ý thêm: Việc ai trở thành Tổng thống Mỹ xét cho cùng không quan trọng, điều quan trọng chính là quan hệ Nga - Mỹ và hợp tác song phương trong các vấn đề toàn cầu như thế nào.
Do vậy, để tạo ra một bước ngoặc trong quan hệ Nga - Mỹ trong thời gian ngắn hạn là rất khó, bởi hàng loạt vấn đề gai góc vẫn còn đó, mà tín hiệu đánh đi từ hai phía hãy còn mờ mịt.
TUYẾT MINH