Giáo dục

Trước giờ chốt hồ sơ

09:39, 06/04/2008 (GMT+7)

Trước ngày 10-4 - thời hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh Đại học - Cao đẳng (ĐH – CĐ) năm 2008 - tại các trường THPT, cả học sinh, nhà trường và gia đình cùng “chạy” hết tốc lực để thí sinh chọn đúng ngành nghề phù hợp.

Ráo riết thi thử, họp phụ huynh, hướng dẫn điền hồ sơ

Thí sinh phải đọc thật kỹ hướng dẫn kê khai ở mặt sau túi hồ sơ, trước khi điền thông tin vào hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh.
Năm nay, để tạo thuận lợi cho thí sinh, Sở Giáo dục - Đào tạo (Sở GD-ĐT) đã tổ chức 37 đơn vị đăng ký dự thi, gồm 35 đơn vị tại các trường THPT, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, một số trường Trung học chuyên nghiệp... và 2 đơn vị đăng ký dự thi tự do tại sở để thu nhận học sinh thuộc diện vãng lai và thí sinh tự do.

Còn ở các trường THPT, từ công lập tới bán công, hoạt động định hướng và tư vấn cho thí sinh trước khi chốt hồ sơ, chọn trường, và đăng ký dự thi được ráo riết chuẩn bị. Chưa năm nào, các trường THPT lại “quan tâm” đặc biệt đến việc tư vấn tuyển sinh cho... phụ huynh như năm 2008. Các trường tổ chức gặp mặt toàn thể phụ huynh học sinh lớp 12, cung cấp thông tin về ngành nghề, chỉ tiêu. Đồng thời, mời phụ huynh về từng lớp để giáo viên chủ nhiệm tư vấn theo từng nhóm, tùy thuộc lực học của các nhóm học sinh, chỉ rõ nhóm nào nên thi trường nào là phù hợp, thi ở địa phương nào là có khả năng đậu cao... Riêng trường Phan Châu Trinh đã phối hợp với Báo Tuổi trẻ và Thanh niên tư vấn cho học sinh tự chọn ngành, trường. Cách thức này giúp học sinh biết được các ngành, trường mới, các chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo để chọn hướng đi thích hợp cho mình.

Để đánh giá năng lực thực tế của học sinh, các trường thường cho học sinh tổ chức thi thử. Biện pháp đánh hạnh kiểm yếu đối với những học sinh “ngó nghía” tài liệu xem ra là phương cách hiệu quả để học sinh học, thi và đăng ký tuyển sinh theo đúng năng lực.

Thầy cô cùng “chạy đua”

Ông Phạm Úc, Hiệu trưởng Trường THPT bán công Nguyễn Hiền chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn tuyển sinh đối với các học sinh được đánh giá là có đầu vào thấp hơn nhiều so với các trường khác: “Phải truyền cho các em một ngọn lửa, động viên trước đã, rồi mới tính chuyện hướng dẫn làm hồ sơ tuyển sinh”. Một mặt, ông cùng Ban tuyển sinh trường hướng dẫn cặn kẽ cho học sinh ghi hồ sơ thi để không có bất kỳ sai sót nào gây trở ngại cho các em sau này. Mặt khác, ông vận động các trường Duy Tân, Phương Đông... đến tận trường phát tờ rơi, giới thiệu ngành học cho các em.


 

LỜI KHUYÊN


Ông Lê Phú Kỳ, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh:
“Chúng tôi nhấn mạnh, các em nên chọn ngành, chọn trường theo năng lực, đam mê, sở thích, phù hợp nhu cầu xã hội và khả năng kinh tế của gia đình, chứ không nên chọn theo mốt, theo thời thượng”.

Ông Phạm Úc, Hiệu trưởng Trường THPT bán công Nguyễn Hiền khuyến cáo: “Quyết định đăng ký hồ sơ hôm nay sẽ là quyết định sống còn, ảnh hưởng đến cả cuộc đời, sự nghiệp của các em sau này. Do đó, các em không nên thử, không nên đánh cuộc. Phải chọn đúng ngành, đúng nghề. Đại học là ước mơ to lớn, nhưng nếu không thể, không có khả năng, có thể đăng ký thi cao đẳng, sau đó học liên thông, giá trị bằng cấp vẫn ngang nhau”.

 
Ông Lê Phú Kỳ, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh lại có cách làm bài bản khác. Sau mỗi đợt thi tuyển sinh, trường đều phân tích theo khối, theo lớp, đánh giá tỷ lệ đậu và xác định rõ trách nhiệm của giáo viên từng lớp, từng khối, và khen thưởng cho các giáo viên có thành tích tốt. Theo ông, cách này rất hiệu quả và không gây áp lực, bởi giáo viên và phương cách giảng dạy của họ tác động rất lớn đến việc đậu đỗ của học sinh, và xét thưởng (không có kỷ luật) để mọi người cùng nhìn nhận, đánh giá thành quả, rút kinh nghiệm cho các lần tuyển sinh sau. Có lẽ vì vậy, trường Phan Châu Trinh là nơi có tỷ lệ học sinh đậu CĐ - ĐH cao và tăng theo từng năm (trong khi năm 2005 tỷ lệ đậu là 74,3%, thì năm 2007 là 85,9%).

Đường đời trăm ngả

Theo ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố, khi lựa chọn ngành học CĐ-ĐH, các em học sinh cần trả lời các câu hỏi: Ta có yêu, có thực sự hứng thú với ngành nghề đó không, vì lẽ gì? Năng lực học tập và sở trường của ta có đáp ứng được yêu cầu của ngành nghề đó, sống lâu dài với ngành nghề đó hay không? Trường CĐ-ĐH đào tạo ngành nghề đó ra sao? Ngành nghề đó sau 4, 5 năm tới xã hội có cần không? Hoàn cảnh gia đình và bản thân có cho phép học ngành đó, trường đó?

Muốn trả lời được các câu hỏi này, học sinh cần nghiên cứu kỹ các thông tin trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2008”, “Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy” của Bộ Giáo dục - Đào tạo; thông tin trên các báo, website...; đồng thời, tham khảo lời khuyên của những người đáng tin cậy.

Chọn sư phạm hay kỹ sư, thợ điện hay kế toán, bác sĩ hay nhà thiết kế... Bất kỳ sự lựa chọn nào đối với học sinh khối 12 THPT vào thời điểm này, cũng là một dấu mốc rất quan trọng để đặt bước chân đầu tiên vào những nẻo đường tiếp theo. Có lắm lý do để học sinh chọn ngành học. Ngoài sở thích, năng lực, không thiếu em chọn ngành thời thượng, chọn ngành có đầu vào “cao cao” (để xứng với danh hiệu trường phổ thông các em đang học hoặc để rớt ĐH “cũng đáng”!). Thậm chí, có em chọn theo lĩnh vực mà bố mẹ chưa kịp thực hiện thời trai trẻ... Ông Lê Phú Kỳ kể về một trường hợp học sinh giỏi nhưng chọn “sai đường” nên phải mất 8 năm để... đi lại. “Đó là một học sinh giỏi Toán quốc tế nhưng vì lý do đặc biệt nên không được đi nước ngoài. Năm đó, ngành Y đang là “phong trào” của những học sinh giỏi nên em này quyết định chọn vào. Sau 6 năm học Y, 2 năm làm việc, em nhận ra mình không hợp. Em bỏ tất cả để thi lại ĐH Sư phạm Toán và hiện đang là giáo viên dạy môn Toán ở TP. Hồ Chí Minh”.

“Ứng phó” với phụ huynh

Trong các cuộc họp với phụ huynh khối 12, các trường đều nói rõ “không nên áp đặt nguyện vọng của gia đình lên nguyện vọng của con cái, bởi chọn ngành là chọn “cho con” chứ không phải chọn “cho ba mẹ”.

Sở GD-ĐT cũng nhắn nhủ các gia đình: “Tư vấn nghề nghiệp cho học sinh phổ thông là một quá trình phức tạp cần sự tham gia của nhiều lực lượng, trong đó không phủ nhận vai trò của gia đình. Tuy nhiên, phải dựa trên cơ sở “đam mê, năng lực” của từng học sinh, bởi đây là điều kiện cần cho thành công trong việc hành nghề về sau”.

Một số thầy cô còn “mách” mẹo nhỏ để học sinh biết “ứng phó” khi phụ huynh can thiệp quá sâu vào nguyện vọng riêng, đó là nên trình bày với bố mẹ lý do, định hướng của bản thân, chắc rằng không người cha người mẹ nào nỡ khước từ. Em Trà My, học sinh lớp 12 trường Trần Phú cho biết: “Mẹ muốn em thi Trung cấp Y để không phải đi học xa và có thể giúp đỡ việc kinh doanh của gia đình, nhưng em lại đam mê vẽ và mong ước trở thành nhà thiết kế thời trang. Em đã cố tập vẽ thật đẹp để mẹ thấy sự tiến bộ và năng khiếu của em. Em cũng nói để mẹ thấy ngành thiết kế thật sự có triển vọng tại thị trường Đà Nẵng sau vài năm nữa. Sự nỗ lực của em đã được bù đắp bằng cái gật đầu của mẹ cho em thi vào ngành Mỹ thuật Công nghiệp Trường ĐH Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh”.

 

Sau 10-4 (hạn chót nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh), thí sinh có thể chỉnh sửa hồ sơ đăng ký dự thi hay không?

Trong trường hợp đặc biệt (nếu xảy ra sai sót trong đăng ký hồ sơ), thí sinh có thể liên hệ với giáo vụ các trường trước 10-4-2008, hoặc bộ phận tuyển sinh của Sở GD-ĐT trước ngày 15-4-2008 để được hướng dẫn.

Lời khuyên của Sở GD-ĐT: “Nếu có thể, thí sinh nên photocopy mặt trước bì hồ sơ đăng ký dự thi và các phiếu số 1, phiếu số 2 để kê khai thử và kiểm tra thật chính xác, sau đó mới chính thức điền vào hồ sơ dự thi. Trước khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh phải đọc thật kỹ phần hướng dẫn kê khai phiếu đăng ký dự thi ở mặt sau túi hồ sơ đăng ký dự thi; khai đầy đủ, chính xác, không tẩy xóa. Cần cân nhắc thận trọng khi chọn trường thi, trường có nguyện vọng 1, khối thi và mã ngành đào tạo phù hợp với sở trường của mình”.

 

HẰNG VANG - THU HOA

.